Tự tin nuôi tôm vụ Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực tiễn cho thấy nuôi tôm vụ Đông rất khó thành công, bởi thời gian nuôi kéo dài do thời tiết lạnh, đầu vụ đối mặt với mưa bão, rét đậm, rét hại vào cuối vụ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người dân các địa phương đã đầu tư công nghệ hiện đại, hạn chế tác động của môi trường để thả nuôi quy mô lớn trong vụ sản xuất nhiều rủi ro này, mang lại lợi nhuận cao.

Lợi nhuận cao

Những năm gần đây, nuôi tôm vụ Đông ở miền Bắc nước ta đã được nhiều hộ dân các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,… triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia, nuôi tôm vụ Đông có những lợi thế như sản phẩm dễ bán hơn, giá bán cao hơn chính vụ (từ 70.000 – 150.000 đồng/kg), tăng số vụ nuôi/năm,…

Người nuôi phải có các biện pháp chủ động kiểm soát sức khỏe tôm và môi trường ao nuôi

Tại Kim Sơn, Ninh Bình, diện tích nuôi tôm trong nhà kín vào vụ Đông đã tăng lên nhanh chóng, nếu như những năm 2016 chỉ có một vài hộ thí điểm thì nay diện tích này đã tăng lên khoảng 100 ha. Ông Trần Văn Huệ (xóm 2, xã Kim Đông) cho biết: “Diện tích nuôi tôm công nghệ cao qua Đông đã mang lại lợi nhuận ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình. Để vụ nuôi hiệu quả, tôi đã đầu tư cải tạo hạ tầng nuôi, phủ bạt toàn bộ hệ thống ao, trang bị thêm nhiều thiết bị phụ trợ như: Máy tạo ôxy, máy quạt, bạt lót,… Năm 2023, tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng”.

Còn tại Hà Tĩnh, mặc dù thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều ngay từ đầu vụ, thế nhưng hiện một số hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh như huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,… vẫn chấp nhận “mạo hiểm” đầu tư nuôi tôm vụ Đông, do lợi nhuận cao gấp 2 – 2,5 lần so với chính vụ. Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 ha nuôi vụ Thu – Đông.

Không ít rủi ro

Theo các chuyên gia, mặc dù nuôi tôm vụ Đông đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro.

Bởi quá trình nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ xuống thấp trong thời gian dài khiến con tôm hạn chế bơi lội, thời gian sinh trưởng dài hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Cùng đó, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn cũng tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước,… làm con tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, tôm kém phát triển và nhiều dịch bệnh.

Theo chia sẻ của ông Dương Viết Luynh, một trong những hộ tiên phong nuôi tôm vụ Đông tại khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), nuôi tôm vụ Đông gặp rất nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cùng với bề dày kinh nghiệm của người nuôi. Do đó, dù công nghệ có tốt đến mấy nhưng nếu chủ quan lơ là, không sát sao với đàn tôm thì nguy cơ mất trắng rất cao.

Nuôi tôm vụ Đông trong nhà bạt giúp hạn chế được tác động của nhiệt độ. Ảnh: TTP

“Nhiều khi nước để cả tháng không sao nhưng chỉ cần một trận mưa là pH thay đổi, một đợt gió mùa về chất lượng nước cũng thay đổi mà mùa Đông thời tiết cứ thay đổi liên tục như vậy. Khi tôm yếu, cần phải thay nước ngay nhưng nhiệt độ giữa ao trữ và ao nuôi khác nhau, nếu thay không cẩn thận gây sốc nhiệt, sốc môi trường lại thành ra mất luôn vụ tôm”, ông Luynh cho biết thêm.

Cùng đó, tôm vụ Đông thường gặp 2 bệnh chính là hồng thân (SEMBV) và bệnh đốm trắng. Các bệnh này xuất hiện chủ yếu vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống thấp, ảnh hưởng ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng tỷ lệ chết cao nhất thường xuất hiện từ 1 – 2 tháng sau thả giống. Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài thông qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Tác nhân gây hai bệnh này đều gây tỷ lệ chết cao và hiện chưa có thuốc chữa trị hiệu quả.

Vượt khó khăn

Để có thể “chế ngự” được thời tiết, vượt qua khó khăn, bất lợi, những năm trở lại đây, nhiều người nuôi đã đầu tư công nghệ hiện đại, hạn chế tác động của môi trường để thả nuôi quy mô lớn, mang lại lợi nhuận cao.

Theo đó, các hộ nuôi đã đầu tư hệ thống nhà kín, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước, giúp chủ động kiểm soát nhiệt độ ổn định, tránh được thời tiết bất lợi tác động đến pH, độ mặn, gây phân tầng nước trong ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh cho con tôm. Đồng thời, áp dụng quy trình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, nuôi tôm trong ao đất bền vững; ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để giúp người dân nuôi tôm an toàn, trước khi bước vào vụ Đông, ngành chuyên môn các địa phương đã phối hợp tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi về phương pháp nuôi, xử lý ao đầm, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, thường xuyên lấy mẫu quan trắc môi trường đất, nước, thông báo rộng rãi kết quả để làm cơ sở cho người dân có biện pháp xử lý phù hợp.

Phó phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Ngọc Quân cho biết: “Mặc dù cho thu nhập tốt hơn nuôi tôm vụ Xuân Hè nhưng không phải ai cũng nuôi được tôm vụ Đông do đầu tư chi phí lớn, nhiều rủi ro. Để có một vụ tôm hiệu quả cao nhất thì người nuôi cần chú ý đến thời tiết, đặc biệt những hôm trời rét đậm, rét hại. Hơn nữa cần kiểm tra môi trường nước thường xuyên và áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, thức ăn, con giống, kiểm soát dịch bệnh thật tốt thì mới đảm bảo hiệu quả”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh): “Đối với tôm vụ Đông, người nuôi thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường. Ngành chuyên môn khuyến cáo chỉ thả nuôi với vùng tránh được mưa lũ, phải được đầu tư bài bản theo hình thức thâm canh, công nghệ cao trên cát mới hy vọng đem lại hiệu quả về kinh tế. Riêng những diện tích ao nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chỉ nên nuôi xen ghép, luân canh các đối tượng tôm, cua, cá,… ở các vùng nuôi trung triều có ao đầm đảm bảo độ sâu hơn 1 m, mang tính tận dụng cải thiện thu nhập là chủ yếu”.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh

Bố trí lại mặt bằng sản xuất hợp lý

Các công ty, hộ sản xuất cần rà soát lại quy hoạch chi tiết để có giải pháp bố trí lại mặt bằng sản xuất hợp lý, nhằm tiết kiệm diện tích, đầu tư, chi phí để tổ chức sản xuất bền vững cho chính các hộ nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi cần cải tạo ao nuôi đúng quy trình, thả tôm với mật độ phù hợp; thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Thả giống với mật độ thưa

Các hộ dân phải chú trọng đến chất lượng con giống, lấy giống tôm tại các cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh, thả giống phù hợp, cỡ giống lớn,... Đặc biệt, thả giống với mật độ thưa, từ 50 - 60 con/m² đối với ao đất, 80 - 100 con/m² đối với những diện tích nuôi trên cát. Ngoài ra, chủ động các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ sản phẩm, công trình trong mùa mưa lũ an toàn và hiệu quả.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!