Nghệ An: Nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã xây dựng thành công nhiều loại mô hình trình diễn.

Đa dạng hóa đối tượng nuôi

5 loại mô hình là: khai thác hải sản bằng lưới rê tầng đáy, ứng dụng máy dò ngang trên tàu lưới vây rút chì, lưới rê cá dưa, chụp mực 4 tăng gông, khai thác bóng ghẹ. Sau 3 năm triển khai, đến nay các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao khi tăng 30 – 50% so với sản xuất đại trà. Hơn nữa, khả năng nhân rộng của các mô hình là tương đối lớn, năm 2012 – 2013 đã tăng 3 – 5 tàu/1 loại mô hình khai thác.

Có được kết quả trên là nhờ xây dựng kế hoạch được dựa trên nguyện vọng của nông dân và đề xuất của địa phương, khai thác thủy hải sản là nghề chính của các địa phương tham gia mô hình (chiếm 60 – 80% giá trị tăng trưởng của một số địa phương thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai). Mặt khác, những năm gần đây khai thác thủy hải sản luôn được các cấp ngành quan tâm phát triển, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho đóng mới, cải hoán, nâng cấp để đáp ứng việc vươn khơi. Ngoài Quyết định 09/QĐ-UB của UBND tỉnh, một số địa phương còn có cơ chế hỗ trợ thêm.

Tiếp đó là nhóm nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ: Chỉ từ năm 2010 đến 2013, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 21 loại mô hình, gồm: nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cua thương phẩm, nuôi cá vược thương phẩm, cá bống bớp, cá lồng trên biển… với hàng trăm hộ tham gia, hiệu quả kinh tế đều đạt từ 30 đến trên 200 triệu đồng/mô hình. Các mô hình nuôi cua lãi trên 200 triệu đồng/0,5 ha. Từ thành công của các mô hình này đã mở ra nhiều hướng nuôi các đối tượng mới thay thế cho các đối tượng nuôi truyền thống có tính rủi ro cao (tôm thẻ, tôm sú…), nhất là mô hình được xây dựng ở những địa phương có diện tích nuôi tôm kém hiệu quả.

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An cho hiệu quả cao – Ảnh: Quang Quyết

Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, khả năng nhân rộng các mô hình này rất lớn. Năm 2012, diện tích nhân rộng mô hình nuôi cá vược chỉ riêng tại xã Hưng Hòa (TP Vinh) đã trên 5 ha, 8 ha cua, cá bống gần 5 ha; nuôi cá lồng ở thị xã Cửa Lò tăng thêm 25 lồng.

                           

Phát triển nhóm mô hình nuôi truyền thống

Theo khuyến cáo của FAO, nuôi cá hiệu quả cao hơn trồng lúa 3 – 4 lần, nên nghề nuôi cá truyền thống đã sớm phát triển ở Nghệ An. Tuy nhiên, việc nuôi cá của nông dân chỉ dừng ở hình thức quảng canh cải tiến. Để có các mô hình điểm trình diễn, trong 3 năm, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 31 mô hình, thu hút hàng trăm nông dân tham gia. Sau một thời gian triển khai, các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao; đã hình thành một số mô hình ương nuôi giống cấp II ở miền núi. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng cao, cá giống có thể ương nuôi được tại địa phương, giá thành rẻ, chất lượng tốt, biết được nguồn gốc, tỷ lệ sống cao…

Bên cạnh đó, nhóm nuôi thủy đặc sản nước ngọt, năm 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng thành công 21 mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt nuôi ếch, baba; nuôi lươn, cá lóc trong bể…; hàng trăm nông dân tham gia; hiệu quả kinh tế trên 20 triệu đồng/mô hình.

Từ kết quả trên cho thấy, nông dân Nghệ An tiếp thu KHKT tốt, đam mê cái mới. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào cho sản xuất (con giống, xăng dầu, điện) đều tăng cao, đầu ra sản phẩm khó, không ổn định, nên một số mô hình không nhân rộng được. Bên cạnh đó, một số đối tượng nuôi (như lươn, cá lóc) chưa chủ động được con giống hoặc nếu có thì giống muộn, nên khi nuôi ở điều kiện Nghệ An mùa đông kéo dài, dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh hoặc chậm lớn, hiệu quả thấp.

Nhóm mô hình xây dựng tổ hợp tác và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất muối sạch (3 mô hình thực hiện trong 3 năm). Theo các diêm dân, đây là sự hỗ trợ đầu tiên của Nhà nước cho người làm muối, nên mô hình rất được người dân trông đợi và hưởng ứng nhiệt tình. So với sản xuất đại trà theo phương thức cũ, các mô hình đều có hiệu quả kinh tế cao khi năng suất muối tăng 40 – 50%. Năm 2010, với sự hỗ trợ từ mô hình chỉ 500m2 bạt trải trên ô nề, cuối năm diện tích bạt trải đã lên tới 1.500m2, năm 2012 thêm 1.000m2, đầu năm 2013 thêm 1.000m2 ô được trải bạt. Đưa tổng diện tích bạt được trải tính đến thời điểm này là 4.000m2, diêm dân đã thay đổi dần tập quán canh tác cũ bằng hình thức tham gia tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong các khâu trải bạt, cải tạo ô nề, tiêu thụ…

Trong thời gian tới, tỉnh xác định, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng kết quả các mô hình này. Cùng đó, các cấp có thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình ương nuôi cá giống cấp II, nuôi tôm theo hướng GAP, khai thác thủy hải sản xa bờ. Đồng thời, cần xây dựng thêm một số mô hình nuôi theo hướng VietGAP, mô hình chế biến bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, mô hình nuôi cá lồng trên thủy vực mặt nước lớn nhằm khai thác tiềm năng diện tích mặt nước. Việc xây dựng mô hình cần dựa trên đề xuất của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và gắn với quy hoạch vùng chuyên canh phát triển mang tính bền vững. Mặt khác, cần phát triển thành cánh đồng mẫu lớn một số mô hình sản xuất muối sạch và nuôi tôm sạch bệnh, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời hướng đến xuất khẩu.

>> Nghệ An có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn ở khu vực Bắc Trung bộ với tổng diện tích 59.360 ha, trong đó đã đưa vào sử dụng 16.950 ha (15.000 ha nước ngọt và 1.950 ha mặn lợ). Chỉ  riêng năm 2010 – 2013, Nghệ An đã xây dựng thành công 6 nhóm mô hình khuyến ngư tại 21 huyện, thành phố, thị xã.         

Trần Trung Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!