Nhiều mô hình khuyến nông thành công đem lại ứng dụng, tăng năng suất, chất lượng nhưng lại khó triển khai; tình trạng “ủ” đề tài diễn ra ở không ít địa phương.
Thành công nhiều
Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến nông thực hiện thành công, giúp các địa phương khai thác được thế mạnh, đưa sản xuất theo hướng hàng hóa, đem lại ý nghĩa khoa học và thực tiễn, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), năm 2012, Trung tâm Khuyến nông huyện bước đầu triển khai mô hình trồng hoa (ly, lan, thược dược lùn) chất lượng cao. Mô hình trồng hoa tại Từ Liêm ra đời từ thành công của mô hình trồng hoa Cát Tường ở xã Tây Tựu năm 2011 – 2012; Trung tâm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai 3 mô hình hoa này tại ba xã khác. Nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từ trồng lúa sang trồng hoa và cây cảnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Hà Nội có lợi thế xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng thị trường với ưu thế về diện tích, thị trường tiêu thụ bao tiêu sản phẩm tốt, cộng với cơ sở hạ tầng được đầu tư. Các mô hình khuyến ngư, khuyến nông của Hà Nội cũng dựa trên những ưu thế nông nghiệp, triển khai đồng bộ và được ứng dụng khoa học kỹ thuật dễ dàng.
Tại Nghệ An, năm 2012 triển khai được 6/6 mô hình khuyến ngư, đều mang lại hiệu quả tốt cả về ý nghĩa khoa học, thực tiễn, giúp ngư, diêm dân nâng cao thu nhập. Một số mô hình nổi bật như: Ứng dụng máy dò ngang trên tàu lưới vây rút chì, cho thu nhập bình quân 12 triệu/5 chuyến (20 ngày)/lao động, tăng 5 – 7 lần so với lúc tàu chưa lắp máy; Tổ hợp tác và ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất muối sạch, cho năng suất muối đạt 12 – 15 kg/m2/nắng, tăng 8 – 10 kg/m2/nắng, hạt muối trắng, to và đều hơn so với sản xuất trên ô không lót bạt; Nuôi cá vược thương phẩm, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biệt hiệu quả đối với những vùng nuôi tôm thường xuyên bị bệnh.
Khó triển khai rộng
Nhiều mô hình triển khai thành công, đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Không ít mô hình đầu tư manh mún, dàn trải, thiếu định hướng thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hoá; trong khi đó đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Do vậy, nhiều mô hình sau khi được nhân rộng, nông phẩm dư thừa, “được mùa thì mất giá”. Theo ông Nguyễn Quý Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Nghệ An, việc triển khai nhân rộng các mô hình còn gặp khó khăn do sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với chính quyền địa phương chưa đồng nhất. Nhiều dự án, mô hình hoàn thành rồi nhưng chính quyền địa phương chưa chủ động thực hiện các công đoạn còn lại. Trong khi đó, tâm lý ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý còn nặng. Nhiều người vẫn nghĩ, nếu có vốn hỗ trợ thì tiếp tục đầu tư, khi hết ngân sách cũng “phó thác” cho dự án trôi nổi. Do vậy, nhiều mô hình chưa kịp ứng dụng vào sản xuất đã bị lãng quên, nhất là những mô hình nuôi trồng thủy sản đòi hỏi vốn lớn… Các hộ được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật, sau khi kết thúc chương trình đã không tiếp tục bỏ vốn để sản xuất nên chương trình vẫn “dậm chân tại chỗ” .
Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình mây tre đan xã Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An
Ông Nguyễn Công Soái cho rằng: Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Hàng hóa nông sản chưa có thương hiệu sản phẩm, việc xúc tiến đầu tư hiệu quả thấp, chưa khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về triển khai nhân rộng ứng dụng các mô hình còn hạn chế, nhiều cán bộ đảng viên chưa phát huy nội lực địa phương và huy động nguồn lực cho phát triển xây dựng nông thôn. Ngoài ra, công tác dự báo còn yếu, chưa lường trước được hết khó khăn nên xây dựng một số nhiệm vụ, mục tiêu giải pháp chưa phù hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Quý Linh lấy ví dụ: Tại Nghệ An, mô hình trồng lạc bằng túi nilon đã đem lại hiệu quả, nhưng có địa phương áp dụng thành công, có nơi chưa áp dụng, việc đó hoàn toàn do địa phương, bởi mô hình đã được ứng dụng thực tế rồi. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong tuyên truyền để người dân hiểu và làm. Đối với các mô hình khuyến ngư, cần xác định được nhu cầu thực sự của người dân, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình, tiên đoán khả năng nhân rộng mô hình, lấy một số đối tượng nuôi, khai thác, chế biến có hiệu quả đã được khảo nghiệm xây dựng mô hình ở một số địa phương có trình độ dân trí, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật cao để làm bước đột phá.
Mô hình nuôi tôm thẻ ở xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An cho hiệu quả cao
Về phía ngành nông nghiệp, khi xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết “bốn nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước); tôn trọng, lắng nghe ý kiến người dân, đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân, chú ý tính hiệu quả và thiết thực. Khi tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình, cần chọn đúng đối tượng là những hộ dân hoàn toàn tự nguyện, có nhu cầu áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, có quyết tâm vươn lên làm giàu.
>> Ngành nông nghiệp cần thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể; tăng cường phân cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở. Chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhân rộng mô hình tiên tiến… |