Ngày 24/10, tại Cần Thơ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị các doanh nghiệp cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm lấy ý kiến cho đề án tái cơ cấu ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep đã trình bày 6 giải pháp tái cơ cấu ngành cá tra, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để hoàn chỉnh các giải pháp, kiến nghị với Chính phủ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
6 giải pháp được đưa ra gồm: Ban hành quy chế áp dụng thí điểm hệ thống cấp và kiểm soát hạn ngạch sản lượng (quota) nuôi cá tra cho xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường; ban hành chương trình nâng cao chất lượng và phòng bệnh cho cá tra giống; ban hành quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra; ban hành chương trình chất lượng quốc gia sản phẩm cá tra philê đông lạnh xuất khẩu; cho phép áp dụng thí điểm cơ chế xuất khẩu qua đầu mối thống nhất; cho phép thu phụ phí phát triển và bảo vệ thị trường ngành cá tra.
Việc kiểm soát chặt sản lượng nuôi cá tra được coi là chìa khóa gỡ khó cho ngành sản xuất cá tra Việt Nam. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cũng theo ông Trương Đình Hòe, trong vòng 12 năm (từ năm 2000 đến năm 2012), sản lượng nuôi cá tra đã đạt 1,3 triệu tấn (năm 2012), tăng lên 650 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 692 lần. Thị trường xuất khẩu được mở rộng nhanh chóng 136 nước và vùng lãnh thổ. Cá tra là ngành sản xuất, xuất khẩu hiếm hoi của Việt Nam đạt siêu năng suất nhưng tốn rất ít diện tích, với diện tích nuôi cá chỉ chiếm 6.000ha, bằng 1% diện tích nuôi tôm.
Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh và mang tính tự phát nên đã kéo theo các hệ lụy như giá xuất khẩu cá tra đi ngược lại với tình hình tăng sản lượng, từ 3,76 USD/kg vào năm 2000 rớt dần xuống còn dưới 2,2 USD/kg vào năm 2012; “cuộc chiến” chống lại các vụ kiện chống bán phá giá cá tra ngày càng cam go, trong 2 năm trở lại đây, Hoa Kỳ tăng thuế suất chống bán phá giá ngày càng cao; nghề nuôi cá tra bắt đầu giảm sút với việc giảm 13% diện tích và 11% sản lượng trong 9 tháng năm 2013.
Uy tín của sản phẩm cá tra philê đông lạnh tại nhiều thị trường bị suy giảm nghiêm trong; tỷ trọng giá trị gia tăng quá thấp (chưa đầy 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra); nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tra lân vào tình trạng rất khó khăn do sản xuất thua lỗ…
Đây là hệ quả tất yếu tích tụ từ quá trình phát triển tự phát với tốc độ tăng nhanh, thiếu cơ chế quản lý và sự cạnh tranh về giá cả giữa các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, hầu hết đại diện các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều đồng ý với các giải pháp do Vasep đưa ra, trong đó giảm số lượng cá nuôi bằng hình thức kiểm soát hạn ngạch sản lượng quota phù hợp với thị trường xuất khẩu là giải pháp quan trọng hàng đầu được các đại biểu tán thành cao.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra, Tổng giám đốc Cafatex, cho biết để giải quyết tình trạng hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là giảm sản lượng cá nuôi trước để giá cá tăng trở lại, rồi mới bàn đến các giải pháp khác. Hiện nay, nhiều địa phương có vùng ao nuôi không đảm bảo vấn đề môi trường nhưng vì lợi ích nhiều nơi vẫn thả nuôi. Vì vậy, các địa phương cần phải bàn lại để chọn các vùng nuôi đảm bảo yêu cầu về môi trường.
“Như thế là cũng đã giảm được vào chục phần trăm diện tích, sản lượng nuôi và nếu giảm được 30% sản lượng thì chắc chắn giá cá sẽ tăng trở lại. Vấn đề là các lãnh đạo địa phương có chịu ngồi lại với nhau không và ai là người chấp nhận giảm diện tích nuôi vì ai cũng muốn có thành tích cao.” – ông Kịch phát biểu.
Cùng thống nhất với giải pháp giảm diện tích, giảm sản lượng, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Navico cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, đoàn kết hợp tác để tự sắp xếp lại các doanh nghiệp cá tra.
Ông Tới cũng cho rằng đến năm 2015 – 2016, toàn vùng chỉ không còn quá 15 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Những hộ nuôi cá tra cũng sẽ phải tự nguyện hợp tác lại với nhau để phát triển nghề nuôi cá tra với quy mô lớn, công nghệ cao mới đảm bảo về chất lượng, số lượng phục vụ xuất khẩu…
Tuy nhiên, ông Tới cũng như nhiều đại biểu khác không đồng ý việc thu phí các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại vì cho rằng hiện tại các doanh nghiệp đã rất khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận về cơ chế xuất khẩu philê cá tra sang thị trường EU qua đầu mối tập trung.
Theo Vasep, xuất khẩu cá tra sang EU tăng nhanh từ năm 2003 – 2008 với kim ngạch từ 17 triệu USD lên 581 triệu USD, thị phần xuất khẩu cũng tăng nhanh từ 20,7% lên 48% năm 2007. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, xuất khẩu cá tra sang EU ngày càng giảm về giá trị lẫn thị phần. Tám tháng năm 2013, xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục giảm, chỉ đạt 254 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ, tỷ trọng chỉ còn 22,4% so với 24,4% của năm 2012.
Giải pháp để tăng sản lượng, giá trị cũng như thị phần của cá tra phi lê xuất khẩu sang thị trường EU là đổi mới phương thức tổ chức xuất khẩu bằng hình thức mở dịch vụ xuất khẩu sản phẩm philê đông lạnh cá tra qua một đầu mối thống nhất, chủ yếu là qua cảng Zeebrugge của Bỉ để vào châu Âu. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất với giải pháp trên, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng đã cân nhắc đến hiệu quả kinh tế so với việc xuất khẩu thẳng trực tiếp vào các nước như từ trước đến nay.