Cẩn trọng nuôi tôm sau bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau mỗi trận mưa bão, lũ lụt, nhiều diện tích nuôi tôm cá bị ảnh hưởng, bị nước cuốn trôi, vật nuôi bị chết; nhiều hóa chất tồn dư trong đất, nước, không kiểm soát nổi. Vấn đề môi trường phải được giải quyết thế nào để tránh thiệt hại?

Người dân thương quan niệm, sau bão, lũ lớn, việc nuôi trồng thủy sản sẽ thuận lợi hơn, vì lúc này môi trường nước tốt hơn do sóng lớn, nước rút của thủy triều cuốn đi những chất thải lâu ngày, nhất là chất thải nền đáy, thêm vào đó là lượng nước biển ngoài khơi đưa vào thay thế nước cũ sẽ sạch và nhiều dinh dưỡng hơn. Quan niệm này không sai nhưng đi sâu vào vấn đề có rất nhiều yếu tố phải giải quyết mà người nuôi trồng không được chủ quan.

Cần chuẩn bị ao nuôi thật kỹ trước khi thả giống – Ảnh: PTC

Bởi đây là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh, là cơ hội cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập, phát triển mạnh. Điều này xuất phát từ việc các chất thải công nghiệp, nông nghiệp còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để mà cụ thể như xác động, thực vật, rác thải, hóa chất… từ hoạt động sản xuất. Người nuôi trồng bị hấp dẫn bởi giá tôm thương phẩm cao chưa từng có, nên sẽ tiến hành cải tạo và làm lại thật nhanh, khẩn trương thả lại giống để kịp vụ nuôi trồng, hy vọng giá tôm thương phẩm cao.

Việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ nhất, khi người nuôi chuẩn bị ao không kỹ thì nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Vụ này thời tiết đang phức tạp, dịch bệnh càng dễ xảy ra và lan rộng. Nếu xảy ra, nó sẽ gây khó khăn cho vụ tới. Thứ hai, người nuôi không nên quá trông chờ giá tôm như hiện nay và tiến hành sản xuất thật nhanh. Do vậy, người nuôi cần phải sản xuất trên cơ sở có tính khoa học và an toàn và đặc biệt, vấn đề môi trường nuôi cần được chú trọng.

Với môi trường trong ao nuôi: Cần chuẩn bị ao nuôi thật kỹ trước khi thả giống. Nước phải được xử lý bằng Chlorine 30 ppm, chạy quạt 10 – 15 ngày trước khi thả giống. Ao nuôi có hệ thống an toàn sinh học, có ao chứa lắng, không lấy nước trực tiếp cấp vào ao nuôi. Các yếu tố môi trường nên được theo dõi trong ngày để điều chỉnh hợp lý .

Với môi trường ngoài ao nuôi: Cần làm sạch, dọn sạch cỏ, rác, xác động thực vật… quanh bờ ao. Khu vực vào trang trại sản xuất nên có bể thuốc tím sát trùng dụng cụ và rửa tay, chân khi vào. Nguồn nước lấy vào cho hệ thống ao nuôi, chứa lắng cũng cần được theo dõi thường xuyên, bao gồm các yếu tố lý hóa học; người nuôi nên làm bể lọc nước trước khi cấp nước, nhằm hạn chế phèn hay kim loại nặng trong nước.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra tôm nuôi, nếu đạt cỡ thương phẩm bán được thì tiến hành thu hoạch ngay. Nếu không, cần thực hiện các giải pháp: gia cố bờ bao, cống bọng tại các ao, dùng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để bao quanh ao, hạn chế thay nước trong thời điểm nước dâng và nước rút, do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng, và đặc biệt là tránh gây xáo động trong môi trường nuôi. Trong quá trình lưu giữ tôm vào mùa lũ, cần cho ăn tích cực, thức ăn giàu đạm. Sau bão, không nên thu hoạch đồng loạt để tránh bị rớt giá và làm ô nhiễm nguồn nước do nước thải ra từ ao nuôi.

>> Theo khuyến cáo của ngành chức năng các địa phương ven biển, người nuôi cần chủ động chuẩn bị sẵn trang thiết bị, phương tiện cần thiết, đề phòng bão lũ, tránh thất thoát tôm nuôi. Có thể bọc lưới quanh ao nuôi, đề phòng nước lên nhanh, tràn bờ tôm thoát ra ngoài.

Kỹ sư Lê Trọng Tuấn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!