Người dân vùng ngọt Cà Mau từ trước đến nay trải qua nhiều thăng trầm với con cá bổi. Cũng có người thu về tiền tỷ và cũng có người phải lâm nợ từ vật nuôi này.
Hiện nay, giá cá thương phẩm đang ở mức cao, người dân vô cùng phấn khởi nhưng cũng không khỏi lo âu cho điệp khúc “đụng hàng dội chợ”.
Năm 2002, dự án nuôi thử nghiệm cá bổi công nghiệp trong 3 ao đất do Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau phối hợp với Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Minh Hải đầu tư thực hiện mang lại kết quả khả quan. Kết quả bước đầu này đã mở ra một hướng mới cho con cá bổi ở vùng ngọt hoá, từ đó diện tích ao nuôi ngày một tăng.
Giá trị kinh tế cao
Người dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, vào mùa làm cá bổi khô – Ảnh: Vũ Trân
Được mệnh danh là xứ sở của loài cá bổi, diện tích ao nuôi của huyện Trần Văn Thời luôn tăng qua mỗi năm. Năm 2013, toàn huyện có hơn 200 ha nuôi cá bổi công nghiệp, tăng gần 94 ha so với năm 2012, tập trung nhiều ở các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời. Gắn bó với cá bổi khoảng hơn 3 năm nay, anh Lê Văn Ân, khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, nhận định, đây là một loại rất dễ nuôi và có thể cho lợi nhuận rất cao nếu đầu ra ổn định.
Vốn có tiếng trên thị trường, lại được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sản phẩm nhãn hiệu tập thể vào tháng 12/2011, một lần nữa vị thế của cá bổi được khẳng định. Từ đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư nhiều hơn để nuôi cá bổi.
Bà Nguyễn Thị Hoa, khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết, sau vụ mùa năm 2010 mang về lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ con cá bổi, đối tượng này trở thành vật nuôi cho thu nhập chính của gia đình. Thời gian tới, nếu giá cá ổn định như hiện nay, gia đình thu về lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng.
Do dễ nuôi và cho năng suất cao nên phong trào nuôi cá bổi ngày một lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trung bình mỗi héc-ta nuôi cá bổi công nghiệp cho sản lượng từ 15-20 tấn. Hiện nay, phong trào này cũng đang phát triển mạnh và triển vọng trên địa bàn xã Khánh Hưng.
Ông Hồ Thiên Chúa, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, cho biết, với giá cá hiện nay (trên 65.000 đồng/kg loại 1), hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Hiện trên địa bàn xã, số diện tích ao cá chuẩn bị tới lứa thu hoạch còn rất lớn.
Còn đó nỗi lo
Tuy hiện nay giá cá đang ở mức cao, nhưng người dân vẫn không thể thoát khỏi nỗi lo sẽ bị thương lái ép giá vào thời gian tới, lúc thu hoạch rộ.
Anh Lê Văn Ân nhận định: Hiện nay giá cao là do cá chưa thật sự tới lứa, thị trường còn thiếu hàng. Nhưng nếu 1-2 tháng nữa, khi thu hoạch đồng loạt, giá sẽ bị giảm. Nhiều năm qua vẫn vậy, không những người nuôi thu hoạch đồng loạt dẫn đến dội hàng mà còn gặp phải mùa chụp đìa.
Với 3 ao nuôi sẽ thu hoạch trong 2 tháng tới, ước tính sản lượng trên 5 tấn cá thương phẩm, anh Trần Văn Dân, ấp 5, xã Khánh Bình Tây, không khỏi băn khoăn: Nếu được giá như hiện nay có thể lợi nhuận trên 120 triệu đồng.
Nhưng tất cả vẫn chưa thể nói trước được, năm rồi, khi vào vụ thu hoạch đông ken, giá cá rớt thê thảm, chút nữa là bị lỗ nặng. Dẫu biết dễ bị đụng hàng, nhưng khổ nỗi cá bổi giờ chủ yếu làm khô, nếu thu hoạch không đúng mùa (mùa nắng tốt) thì cũng rất khó tiêu thụ.
Nỗi lo của người dân hiện nay là hoàn toàn có cơ sở và có khả năng xảy ra, nhất là trong lúc tổ chức sản xuất của người dân chưa thống nhất, đồng bộ thì sự chi phối của cơ chế cung – cầu là vô cùng lớn.
Ông Hồ Thiên Chúa cho biết thêm: Hầu như hằng năm, khi vào vụ thu hoạch rộ, giá cá chựng lại và có chiều hướng đi xuống. Đồng thời, do ít thương lái nên họ bắt tay nhau ép giá người dân. Nếu thương lái đầu tiên vào xem cá và ấn định giá thì người dân có kêu thêm bao nhiêu thương lái nữa cũng chỉ ở mức đó, có cao hơn cũng khoảng 1.000 đồng/kg.
Nổi tiếng lại được công nhận nhãn hiệu độc quyền nhưng người dân làm ra sản phẩm vẫn không thể kê cao gối ngủ ngon. Sự bấp bênh thị trường đầu ra đang là rào cản khiến họ nhiều phen lâm cảnh lao đao. Sự liên kết trong sản xuất giờ đây không thể chỉ dừng lại ở việc hô hào trên giấy, mà cần được hiện thực hoá bằng những việc làm cụ thể và hiệu quả hơn.