Trong cuộc họp sơ kết của UBND tỉnh Cà Mau về phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp vừa qua, một số đại biểu tán thành với việc đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi cũng như những cơ chế chính sách để phát triển vùng nuôi bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít đại biểu băn khoăn về tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tràn lan và cả vấn đề liên kết trong sản xuất… Một số đại biểu nhận định rằng, Cà Mau còn thiếu một “nhạc trưởng” đủ tầm cho các cụm nuôi tôm công nghiệp.
Qua trên 2 năm thực hiện Quyết định 119 và 06 của UBND tỉnh Cà Mau về phát triển các cụm nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trong tỉnh, đến nay tuy diện tích có tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay tăng chậm và có dấu hiệu chững lại.
Nguyên nhân là do việc đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng theo yêu cầu sản xuất (điện và thuỷ lợi), môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng, chất lượng con giống chưa bảo đảm. Việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất chưa được triển khai sâu rộng đến tận người nuôi; người sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi vốn tích lũy trong dân ngày càng cạn kiệt; diện tích nuôi nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình, thiếu tập trung…
Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước thu hoạch tôm thẻ chân trắng, không nằm trong vùng ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp tập trung – Ảnh: Trung Đỉnh
Từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến kết quả là năm 2013 diện tích tôm công nghiệp tăng ít, khả năng không hoàn thành kế hoạch là rất cao.
Tăng đầu tư
Nói về những thuận lợi và khó khăn khi phát triển các cụm NTCN trong tỉnh, ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, nhận định, hạ tầng vùng nuôi đã được đầu tư khá mạnh mẽ với lưới điện 3 pha. Thuỷ lợi cũng được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn. Tuy nhiên, việc đầu tư còn chung với quảng canh và quảng canh cải tiến, chưa có sự đầu tư riêng cho cụm NTCN. Hậu cần vùng nuôi dần được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, lực lượng khuyến ngư ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về trình độ, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Thế nhưng, kết quả chưa như mong đợi, dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Người nuôi tôm bước đầu cũng nhận thức được việc phải thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các vùng nuôi, tuy nhiên chương trình đầu tư của các doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, thiếu sự bền vững, thường xuyên bị phá vỡ hợp đồng.
Một trong những nguyên nhân nổi bật khiến diện tích bị thu hẹp dần là việc người nuôi tôm bị cuốn theo “giá tôm cao” nên tập trung đầu tư nhanh mà không chú ý đến yếu tố môi trường khiến việc nuôi thiếu bền vững. Trong khi đó, ngành chức năng không kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm chết kéo dài nên người nuôi kiệt sức, thiếu vốn tái sản xuất. Mặc dù đã có những nghị quyết về đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng giải ngân còn chậm, ngân hàng ngại đầu tư vì sợ rủi ro.
Hai năm qua, ngành điện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đường dây trung, hạ thế (điện 3 pha) 3 đợt có tổng chiều dài 377 km, với dung lượng trạm biến áp 36.110 KVA. Theo đó, hiện tại có 2.457 ha NTCN được cung cấp điện.
Đợt 4, ngành điện đã thực hiện đạt 98% tiến độ công trình, khi hoàn thành sẽ nâng tổng diện tích NTCN được cung cấp điện khoảng 3.937 ha của 2.594 hộ, đáp ứng 73% diện tích NTCN hiện tại. Tổng nguồn đầu tư cho chương trình này trên 100 tỷ đồng, tỉnh đã ứng vốn cho ngành điện trên 89 tỷ đồng.
Đối với thuỷ lợi phục vụ những vùng NTCN tập trung, từ đầu năm đến nay cũng đã có 108 công trình được triển khai với chiều dài trên 289 km, nguồn đầu tư trên 134 tỷ đồng. Trong 2 năm qua (2011-2012), đã đầu tư thực hiện 425 công trình với trên 342 tỷ đồng. Như vậy, việc đầu tư để phát triển diện tích NTCN trong tỉnh không phải là ít. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn thì việc đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, gây lãng phí lớn.
Chưa sát thực tế
Ông Trần Văn Của (Hai Tới), Chủ tịch Hội Thuỷ sản Cà Mau, nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc lập quy hoạch cụm NTCN.
Ông Hai Tới cho rằng, vấn đề quy hoạch cụm NTCN phải sát thực tế địa phương. Thói quen bao đời của nông dân là bám đất, bám vườn, làm gì có diện tích hàng trăm héc-ta không có chủ để đổi đất, để tập trung.
Ý tưởng quy hoạch theo Quyết định 06 của UBND tỉnh thì quá hoàn mỹ nhưng không phù hợp với thực tế. Không thể dồn dân vào rồi kêu gọi doanh nghiệp vào đó đầu tư, mà cũng không doanh nghiệp nào dám đầu tư khi người dân không đồng thuận.
Ông Cao Văn Đức, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, không còn khả năng tái đầu tư vì hết vốn.
Ngoài ra, trong quy hoạch cũng phải xem xét sao cho hợp lý. Quy hoạch không có nghĩa là khoanh vùng lại rồi đào vài con kinh là xong. Phải tính đến môi trường, tập quán sản xuất, rồi hệ thống thuỷ lợi cũng phải hoàn chỉnh hơn.
Đặc biệt, phải tính đến vấn đề ô nhiễm môi trường, vùng đã quy hoạch phải có sự khác biệt hơn so với vùng chưa quy hoạch.
Một khi đã quy hoạch và đầu tư thì phải có giám sát, kiểm tra xem việc đầu tư hiệu quả chưa. Tránh tình trạng một số nơi hạ thế xong điện 3 pha nhưng người dân không có khả năng chuyển đổi nên chưa sử dụng, gây lãng phí lớn trong đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng phê bình các địa phương và ngành điện chưa phát huy hiệu quả việc đầu tư lưới điện 3 pha phục vụ NTCN, làm lãng phí ngân sách vốn hạn hẹp và còn nhiều khó khăn.
So với các tỉnh nuôi thuỷ sản khác thì Cà Mau có nhiều thuận lợi hơn nhưng năng suất thì lại thấp hơn. Nguyên nhân chính vẫn là việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất (chưa làm được trục kinh lấy nước và trục kinh xổ nước như yêu cầu Quyết định 06 đề ra).
Chính vì chưa giải quyết vấn đề này nên nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm, dịch bệnh chưa được đẩy lùi. Việc đầu tư lưới điện cũng chưa phù hợp (vùng đầu tư rồi thì lãng phí, trong khi nhiều vùng khác chưa có điện để sử dụng).
Để thay đổi thiết bị phải tốn hàng chục triệu đồng, trong khi người dân chưa có nhu cầu thay đổi thì nơi ấy lại được hạ thế điện ba pha. Theo báo cáo sơ bộ, trong 82 điểm đã hạ thế điện 3 pha, lượng người dân chuyển sang sử dụng điện 3 pha rất ít.
Trong đầu tư kỹ thuật cũng còn nhiều bất cập. Việc tập huấn chưa được trọng tâm, trọng điểm, tràn lan. “Chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế cho người dân để ứng phó với mọi tình huống. Dịch bệnh làm cho họ chùn bước và kiệt sức vì thiếu vốn. Đã vậy, việc tiếp cận vốn lại gặp khó khăn… Chính những điều này làm cho kế hoạch phát triển diện tích tôm công nghiệp không đạt trong năm qua”, đồng chí Lê Dũng bức xúc.