T2, 06/07/2020 10:39

Nghề cá ở Sóc Trăng: Bao giờ mới vươn xa?

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Sóc Trăng có chiều dài bờ biển 72km, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá ngày càng hoàn thiện, như: cảng cá Trần Đề, khu neo đậu tránh trú bão Kinh Ba, các bến cá tại cộng đồng ngư dân… Vì vậy, khai thác biển đã và đang trở thành lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt kinh tế, mà còn cả về an ninh quốc phòng của địa phương.

Tuy nhiên, do tàu công suất nhỏ, cũ kỹ, lạc hậu, nên hiệu quả nghề khai thác biển ở Sóc Trăng vẫn chưa cao. Ngư dân vùng biển Sóc Trăng đang kỳ vọng vào Đề án “Hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, mua mới, cải hoán tàu khai thác xa bờ giai đoạn 2013-2018” để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…

Phương tiện cũ kỹ, lạc hậu và kém hiệu quả

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.085 phương tiện khai thác biển với tổng công suất 117.307CV, nhưng chỉ có 278 phương tiện đạt công suất từ 90CV trở lên có khả năng đánh bắt xa bờ. Việc có quá nhiều phương tiện đánh bắt ven bờ đã gây nên tình trạng quá tải cho vùng biển ven bờ, làm mất cân đối giữa năng lực khai thác với nguồn lợi thủy sản. Đây là nguyên nhân chính khiến nghề đánh bắt ven bờ ngày càng kém hiệu quả, ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân và việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Do đặc điểm chung của nghề cá cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ và đánh bắt đa loài, nên phần lớn số tàu đang hoạt động thuộc loại tàu gỗ, sau hơn 10 năm hoạt động nay đã xuống cấp và lạc hậu. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Không chỉ có sự lạc hậu của thân tàu, hầu hết các loại tàu cá của tỉnh đều sử dụng loại máy trên bộ đã qua sử dụng như: Hino, Daewoo, Mitshubishi, Cummins…; chỉ trang bị một số ít trang thiết bị hàng hải, như: máy thông tin liên lạc, máy định vị GPS nhưng cũng đã sử dụng nhiều năm”.

Chính sự lạc hậu về trang thiết bị, thân và máy tàu nên phần lớn tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng chỉ tập trung khai thác chủ yếu ở ngư trường Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ trong vùng biển có độ sâu từ 50m trở vào. Còn các tàu công suất nhỏ hoạt động theo phương thức độc lập, sáng đi chiều về hoặc theo chuyến biển, nhưng dài nhất cũng chỉ từ 3-7 ngày và thời gian hoạt động trên biển chỉ từ 5-10 giờ/ngày. Việc khai thác biển đang ngày càng khó khăn, muốn khai thác hiệu quả cần phải có tàu công suất lớn, ngư cụ phù hợp để vươn ra khơi xa, nhưng để tìm được nguồn vốn đối với ngư dân là quá khó. Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, Lê Thành Trung, chia sẻ: “Gần đây, ngư dân chỉ có khai thác xa bờ mới có hiệu quả, còn khai thác gần bờ rất bấp bênh. Nhiều phương tiện không thể khai thác xa bờ chủ yếu do ngư dân thiếu vốn”.

 

Ngư dân vẫn phải bám biển bằng tàu công suất nhỏ, vì đây là nguồn sống chính của gia đình họ.

Sự lạc hậu, cũ kỹ của đội tàu khai thác biển khiến cho hiệu quả khai thác không cao, ngư dân không có tích lũy để nâng cấp, hay đóng mới tàu công suất lớn, trang bị hiện đại để đánh bắt xa bờ. Ngư dân Trần Văn Công bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn phát triển thêm nghề mới, vươn ra ngư trường xa hơn, nhưng không có vốn để nâng cấp, sửa chữa tàu thuyền. Trong khi đó, việc thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng còn quá khó và thường không đáp ứng đủ nhu cầu”. Cùng trăn trở trên, ngư dân Phạm Văn Út Anh nói: “Tôi có 3 tàu, nếu có vốn đóng chiếc tàu mới 600CV để hợp cùng 3 chiếc cũ vươn khơi xa, khả năng bám biển sẽ dài ngày hơn và hiệu quả sẽ cao hơn”. Ngư dân Nguyễn Thanh Liêm so sánh: “Ngày xưa, một kilogram cá có giá trị bằng 2-3 lít dầu, còn bây giờ 1 kilogram cá chỉ bằng 1/2 lít dầu. Không chỉ vậy, sản lượng khai thác cũng ngày càng giảm, do không thể ra khơi xa, bám biển dài ngày”.

Kỳ vọng vào chính sách mới

Cuối tháng 9/2013, những tâm tư, nguyện vọng của ngư dân được ông Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ghi nhận tại buổi tiếp xúc cử tri. Đồng thời, ông Võ Minh Chiến chỉ đạo ngành nông nghiệp nhanh chóng triển khai “Đề án hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, mua mới, cải hoán tàu khai thác xa bờ giai đoạn 2013 – 2018” (Đề án).

Theo đó, giai đoạn 2014 – 2015, Đề án hỗ trợ ngư dân đóng mới, mua mới, cải hoán 45 tàu khai thác xa bờ công suất từ 250CV trở lên và giai đoạn 2016 – 2018, tiếp tục hỗ trợ 44 tàu, để giúp đội tàu Sóc Trăng đủ sức vươn ra khơi xa, mở rộng ngư trường, đảm bảo an toàn, tăng thời gian bám biển, tăng giá trị khai thác, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Các nghề khai thác xa bờ được hỗ trợ gồm: nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu, tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá và nghề lưới kéo xa bờ. Chủ tàu cá tham gia đề án được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới, mua mới hoặc cải hoán tàu đánh bắt xa bờ trong thời gian 5 năm với các chính sách ưu đãi như: hỗ trợ 100% lãi suất trong năm thứ nhất; năm thứ hai chỉ trả 50% lãi vay; năm thứ ba trả 30% vốn vay và 50% lãi vay; năm thứ tư trả 30% vốn vay và lãi vay; năm thứ năm trả 40% vốn và lãi vay.

Đề án rất có ý nghĩa và phù hợp với mong muốn của ngư dân. Nhưng để Đề án triển khai được và phát huy hiệu quả vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt là nguồn vốn. Theo ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, nghề khai thác xa bờ tuy có độ rủi ro cao nhưng nếu ngư dân có tham gia bảo hiểm thân tàu thì việc đầu tư là không đáng lo. Vấn đề mức cho vay của ngân hàng so với tài sản thế chấp của ngư dân là bao nhiêu để họ có đủ điều kiện đầu tư phương tiện, trang thiết bị, ngư lưới cụ để đánh bắt xa bờ. Ông Hoàng Văn Cuông, Phó Giám đốc Sở Tài chính, băn khoăn: “Phần lớn tài sản thế chấp là được hình thành trong tương lai, liệu các ngân hàng có đồng ý cho ngư dân vay theo hình thức thế chấp tài sản thông thường không. Bởi hiện nay, đa số các ngân hàng đều rất thận trọng trong cho vay, đặc biệt là cho vay đánh bắt xa bờ. Hơn nữa, thời gian trả nợ 5 năm theo Đề án liệu có quá ngắn và trở thành gánh nặng cho ngư dân hay không?”. Theo ước tính, tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 281 tỉ đồng; trong đó, nguồn vay từ ngân hàng trên 172 tỉ đồng, vốn đối ứng của ngư dân gần 74 tỉ đồng, ngân sách dùng hỗ trợ lãi suất trên 34,4 tỉ đồng, còn lại là kinh phí dành cho quản lý đề án và hoạt động khuyến ngư. Ông Vương Quốc Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng, cho biết: “Nếu không có cơ chế tín dụng riêng sẽ rất khó để các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay đánh bắt xa bờ”. Cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu có sự tham gia của Quỹ bảo lãnh tín dụng, các ngân hàng sẽ dễ giải ngân hơn.

Những khó khăn của nghề cá được các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng nhận ra, tất cả đều rất quyết tâm và hy vọng Đề án sẽ sớm được thực hiện, để đáp ứng nguyện vọng cũng như sự kỳ vọng của ngư dân về một chính sách cho nghề khai thác xa bờ. Mặt khác, khi Đề án được triển khai sẽ giải quyết phần nào khó khăn cho ngư dân muốn đầu tư đánh bắt xa bờ; nâng cao sản lượng khai thác biển và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản; góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển cũng như an ninh trật tự trên các vùng nước; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; từng bước phát triển đội tàu khai thác theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm áp lực khai thác ven bờ, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Xuân Trường

Báo điện tử Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!