Thái Thụy (Thái Bình) có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, Thái Thụy đã xây dựng thành công mô hình “nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt”, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá….
Thái Thụy có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn đối tượng nuôi hiện nay vẫn là các loài cá truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép… Trong đó, một số con nuôi do nhiều nguyên nhân nguồn giống đã bị thoái hóa, dễ bị nhiễm bệnh, năng suất không cao nên phong trào nuôi chưa bền vững. Để giúp bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, Thái Thụy đã xây dựng thành công mô hình “nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt”, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt của địa phương.
Thu hoạch cá tại mô hình nuôi cá rô phi lai xa ở Thái Thụy.
Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: cá rô phi lai xa dòng Chinchifu là dòng đơn tính đực thuộc con lai đời F1 tạo ra con giống bằng phương pháp lai xa giữa loài cá rô phi O.aureus (cá bố) dòng của Trung Quốc và O.niloticus (cá mẹ) của Đài Loan. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp lai xa này là tạo được tỷ lệ cá đực rất cao, trên 95%. Những con giống lai xa có nhiều đặc điểm vượt trội như: đầu nhỏ, mình dầy, lưng cao, tỷ lệ thịt nhiều, thịt thơm ngon và cá sinh trưởng phát triển rất nhanh, sức đề kháng với bệnh tốt.
Thời gian qua, cá rô phi lai xa dòng Chinchifu đã được nuôi phổ biến tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam ở nhiều vùng ao, hồ, đầm, ruộng trũng và ở cả môi trường nước mặn, nước lợ. Cá thương phẩm được thị trường rất ưa chuộng. Sau khi nghiên cứu kỹ đặc tính và hiệu quả của cá rô phi lai xa dòng Chinchifu, tháng 3/2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lựa chọn trang trại của anh Trần Thanh Mạnh (xã Thụy Hồng) đầu tư xây dựng mô hình trên ao nuôi rộng 5.000m2 thoáng khí, tiện nguồn nước.
Trước khi thả giống, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ tháo cạn nước, dọn vệ sinh, tu sửa bờ mái, nạo vét lớp bùn phía trên của ao, dùng vôi bột rắc khắp đáy ao và phơi trong vòng 3-5 ngày để diệt tạp khuẩn. Sau đó lấy nước sạch vào ao, bón phân gây màu nước bằng phân vô cơ tỷ lệ 0,2 – 0,3 kg/100m2 ao hoặc phân chuồng với liều lượng 25 – 30kg/m2 ao. Đầu tháng 4/2013, 15.000 con cá giống (trọng lượng 300 – 350con/kg) khỏe, sạch bệnh được thả xuống ao. Cũng theo lời ông Viện: Việc chăm sóc cá rô phi lai xa dòng Chinchifu rất đơn giản. Thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp, thức ăn tự chế như cám, gạo nấu và tận dụng nguồn thức ăn dư thừa trong chăn nuôi.
Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, khẩu phần ăn điều chỉnh tăng theo trọng lượng của cá, tránh dư thừa thức ăn vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường nước nuôi. Ban đầu, ao nuôi cá phải bảo đảm duy trì mực nước sâu 1,5 – 1,8 m, khi cá lớn đạt trọng lượng 0,3 kg/con trở lên độ sâu nước ao nuôi bảo đảm trên 2 m, hàng tuần bơm thêm nước và thay nước nếu môi trường nước nuôi không bảo đảm.
Anh Trần Thanh Mạnh cho biết thêm: Dù là lần đầu tiên đầu tư nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu nhưng do thực hiện đúng quy trình cải tạo ao, nuôi thả, chăm sóc và cho cá ăn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên cá sinh trưởng và phát triển rất tốt, tỷ lệ con sống đạt 80%. Ưu điểm lớn nhất khi nuôi loài cá này là kỹ thuật đơn giản, nông dân nào cũng nuôi được ở những quy mô khác nhau. Cá sống khỏe, rất ít bệnh và chỉ cần phòng bệnh cho cá vào thời điểm giao mùa bằng thuốc thảo mộc nên không để lại tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và quá trình sinh trưởng của cá.
Thời gian nuôi thường kéo dài từ 5 đến 7 tháng đã có thể thu hoạch. Tại mô hình, sau 7 tháng cá nuôi đạt kích cỡ trung bình 0,6 kg/con (tăng 205 lần so với trọng lượng con giống), tổng sản lượng đạt 7,2 tấn. Cá đánh bắt đến đâu, thương lái mua hết đến đó, tổng giá trị thu nhập đạt 237,6 triệu đồng. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư nuôi trên quy mô diện tích như trên, kéo dài thời gian nuôi khoảng 1 năm nhằm tăng sản lượng, nâng cao thu nhập.
Được biết, những năm qua Thái Thụy đã đưa vào nuôi thử nghiệm nhiều đối tượng thủy sản mới tại các ao, đầm nước mặn, lợ, ngọt tại nhiều địa phương như: nuôi ngao thương phẩm trong đầm nước lợ, nuôi cá vược kết hợp cá rô phi và vọp trong đầm nước lợ, nuôi cá lóc bông thương phẩm và hiện tại là mô hình nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu…. Bước đầu, các mô hình này đều thành công, cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình gặp khó khăn, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Vì vậy, cùng với đầu tư nuôi thả các đối tượng con nuôi mới, Thái Thụy cần phải có giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là mở rộng liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, có như vậy mới phát huy hết tiềm năng lợi thế của huyện ven biển, thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững.