Hơn hai năm liền, vụ tôm này nối tiếp vụ tôm kia thất bát, hàng loạt người nuôi trắng tay, nợ nần chồng chất. Vực dậy sau thất bại, nhiều hộ nuôi tôm ĐBSCL đã rút ra những bài học xương máu.
Không thả mạnh tay
Ông Ca Minh Chí (ấp chợ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình ông có diện tích ao nuôi 8 ha, những năm chưa có dịch bệnh, nuôi tôm sú quy mô công nghiệp mỗi năm ông thu lãi bạc tỷ. Nhưng từ năm 2010, “cơn lốc” bệnh tôm khiến gia đình ông vướng cảnh nợ nần.
Để thoát nợ, đầu năm 2013 gia đình ông buộc phải bán 15 công (20.000m2) đất trồng lúa, đồng thời vẫn duy trì nuôi tôm, nhưng thả nuôi dè dặt kết hợp với các giải pháp kỹ thuật, nên mang lại hiệu quả cao. Ở đợt 1 năm nay, gia đình ông thả nuôi 3 ao (4.500 m2/ao), sản lượng đạt 2,5 tấn, doanh thu gần 700 triệu đồng, lợi nhuận 50%.
Ông Chí chia sẻ: Trước đây, cứ có tiền và đến mùa vụ là thả giống ồ ạt. Khi gặp rủi ro tôm chết lại cải tạo ao thả tiếp, mong gỡ vốn, nhưng càng nuôi càng lỗ. Vụ nuôi 2013, không ai dám “đánh bạc” như trước, việc thả giống cũng nhìn ngó nhau mà thả, thấy nhà thả trước có vấn đề thì ngưng ngay. Hộ nào có nhiều ao nuôi thì chia ra nhiều đợt, để nếu có thất bại cũng không nặng nề.
Chất lượng tôm giống góp phần quan trọng tăng hiệu quả vụ nuôi – Ảnh: PTC
Ngoài ra, ông Ca Minh Chí còn đưa ra bí quyết thành công vụ tôm năm nay: Diện tích ao nuôi 5 ha chia làm 7 ao, trong đó có 1 ao lắng. Vào vụ nuôi, lấy nước vào đủ 6 ao, nhưng thả nuôi 3 ao đã được xử lý đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, 3 ao còn lại tiếp tục xử lý nhưng không thả giống mà chuyển thành ao dự trữ. Khi thu hoạch 3 ao thả nuôi đầu tiên, nguồn nước ở 3 ao dự trữ sẽ phục vụ tái nuôi đợt 2. Với giải pháp thủ công này, tỷ lệ tôm sống rất cao, ước đến trên 90%.
Áp dụng mô hình mới
Vùng nuôi ven Nam sông Hậu thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang có nhiều hộ nuôi theo mô hình mới là nuôi tôm trong nhà lưới có trải bạt, ông Nguyễn Văn Mừng (ấp 2, thị trấn Long Phú), chủ diện tích ao 2,5 ha cho biết: Với mô hình nhà lưới, trải bạt, sục ôxy đáy, hút chất dơ bẩn (xiphông) tầng đáy 2 – 3 ngày/lần, con giống thả nuôi là post 12, sau khi thả 22 – 25 ngày, trọng lượng tôm thẻ chân trắng đạt 700 con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi thương phẩm (ao đất). Phương pháp này nâng tỷ lệ tôm sống đạt 100%, đồng thời giảm 50% chi phí nuôi.
Ông Mừng cho biết thêm, để có 1.000m2 nhà lưới, cần đầu tư khoảng 170 triệu đồng, thời hạn sử dụng tới 10 năm và thực nghiệm, chỉ 2 năm đã hoàn được vốn đầu tư. Minh chứng cho thành công mô hình này, ông Mừng dẫn chứng: Từ đầu năm 2013 đến nay, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp của ông đã thả 3 đợt, đã thu hoạch 2 đợt đều thắng lớn, với năng suất 12 tấn/ha.
Người nuôi tôm ĐBSCL đã có những kinh nghiệm hay và cách tiếp cận giải pháp kỹ thuật giảm rủi ro, nhất là với EMS, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu chỉ tự thân vận động, nông dân ĐBSCL không thể tạo ra một phong trào có hiệu quả rộng, do bài toán thiếu vốn đầu tư theo mô hình bền vững chưa có lời giải.
>> Theo nhiều người nuôi, để thả 1 ha tôm cần nguồn vốn 200 – 300 triệu đồng, nhưng hiện ngân hàng chỉ cho vay 8 triệu đồng. Chi phí trải bạt cho ao chứa 7.000m3 cần đến 100 triệu đồng, trong khi vốn nuôi còn phải đi vay thì vốn đầu tư cũng không dễ dàng. |