Năm 2013, thời tiết diễn biến phức tạp, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn không thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản. Tháng 4 và 5/2013 tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có hiện tượng tôm chết. Trong tháng 6/2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 có gần 100ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị chết do sốc môi trường. Bên cạnh đó, diện tích bãi bồi bị khai thác tối đa làm 135ha ngao của 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng bị chết, ước thiệt hại 25 – 30%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Nam Định, năm 2013 nuôi thủy sản được mùa về cả sản lượng và giá trị. Toàn tỉnh đã đưa 15.567ha diện tích mặt nước vào nuôi thủy sản; trong đó, diện tích nuôi vùng mặn lợ là 6.159ha, diện tích nuôi vùng nước ngọt là 9.408ha. Tổng sản lượng nuôi trồng cả năm đạt 59.386 tấn, tăng 5.349 tấn, bằng 109,9% so với năm 2012; nuôi nước ngọt đạt 28.932 tấn, tăng 1.847 tấn, bằng 106,8%; nuôi mặn lợ đạt 30.342 tấn, tăng 3.502 tấn, bằng 113,02% so với năm 2012. Bên cạnh sản lượng và năng suất của từng loại thủy sản đưa vào nuôi đều tăng thì giá bán các loại thủy sản cũng tăng khá. Cụ thể, giá tôm sú 200 – 250 nghìn đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng 140 – 190 nghìn đồng/kg; giá cua rèm 200 – 250 nghìn đồng/kg; giá cá vược 120 – 150 nghìn đồng/kg; giá cá song 140-160 nghìn đồng/kg; cá bống bớp 215 – 250 nghìn đồng/kg…
Nuôi trồng thủy sản phát triển và đạt hiệu quả cao là do ngành chức năng và các địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác khuyến ngư. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư và Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện tích cực tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn nông dân về các đối tượng nuôi mới, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với Phòng NN&TNT các huyện, chính quyền các xã hướng dẫn người nuôi khung thời vụ thả giống tốt nhất, làm tốt công tác thú y thủy sản nên dịch bệnh đã được ngăn chặn, đồng thời giúp người nuôi thuỷ sản có thêm kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng con nuôi trong những vụ sau. Tại vùng nuôi mặn lợ, mặc dù tổng diện tích nuôi tôm sú giảm, song các hộ nuôi đã rút kinh nghiệm chuyển từ nuôi thâm canh, bán thâm canh sang nuôi quảng canh cải tiến và nuôi xen canh với các đối tượng con nuôi gồm cá bống bớp, cua… nên tôm sú hầu như không bị bệnh, sản lượng vẫn đạt 1.100 tấn. Một số mô hình nuôi thâm canh tập trung đầu tư kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho dùng hóa chất đã mở ra phương pháp nuôi bền vững. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng đột biến, toàn tỉnh đạt 582,3ha, tăng 197% so với năm 2012.
Đầm nuôi tôm của nông dân xã Hải Phúc (Hải Hậu).
Nhiều hộ nuôi thâm canh 2 – 3 vụ, năng suất tôm nuôi trong năm đạt khoảng 15 – 20 tấn/ha. Tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Thắng và Trần Văn Quynh ở xã Giao Phong (Giao Thủy); Hoàng Đức Thiện, xã Hải Triều (Hải Hậu); Bùi Trọng Chinh, xã Hải Lý (Hải Hậu)… cho thu lãi gần 1 tỷ đồng/ha/năm.
Anh Vũ Xuân Bách, xóm 1, xã Hải Phúc (Hải Hậu) cho biết: Năm 2013, gia đình anh thả 4ha tôm thẻ chân trắng. Do chủ động phòng dịch bệnh nên trong cả 3 vụ nuôi tôm không có hiện tượng tôm chết, năng suất luôn đạt 10 – 12 tấn/vụ, cho lãi trên 2 tỷ đồng/vụ.
Song song với việc duy trì ổn định vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Giao Phong (Giao Thủy) theo hướng VietGAP, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã hướng dẫn các hộ vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở các xã Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu) nuôi theo quy chuẩn GAP/CoC, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ngao theo hướng phát triển bền vững vẫn là thế mạnh của 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao cao hơn nuôi tôm thẻ chân trắng do không phải dùng thức ăn. Nhờ từng bước chủ động được nguồn ngao giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, cùng với kinh nghiệm chọn bãi, kỹ thuật cải tạo nền đáy bãi nuôi, tạo môi trường đáy thuận lợi, chọn thời điểm thả giống, quản lý sản phẩm… nên năng suất tăng lên rõ rệt. Hiện tại, diện tích nuôi ngao giữ ổn định 1.710ha, nhưng sản lượng ngao đạt 22.172 tấn, tăng 2.241 tấn so với năm 2012. Cua biển và cá bống bớp cho hiệu quả kinh tế cao với sản lượng đạt 1.183 tấn, trong đó sản lượng cá bống bớp đạt 820 tấn, lãi ròng 300 – 400 triệu đồng/ha. Nhiều đối tượng nuôi mới cũng được các hộ nuôi vùng mặn lợ mở rộng; diện tích nuôi cá song, cá vược đạt 332ha với sản lượng đạt 1.529 tấn, cho thu lãi 250 – 400 triệu đồng/ha/năm.
Nuôi thủy sản nước ngọt tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Do có kinh nghiệm nuôi cá truyền thống và được tập huấn kỹ thuật nên nhiều hộ nuôi đạt năng suất 4 – 6 tấn/ha/năm; sản lượng cá truyền thống toàn tỉnh đạt 27.046 tấn. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Trực Ninh, Mỹ Lộc… đã đưa vào nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị cao như: ba ba, ếch, rắn, cá tra…; sản lượng đạt 216 tấn. Các đối tượng nuôi nước ngọt mới có hiệu quả kinh tế cao như cá lóc bông, cá diêu hồng… tiếp tục được mở rộng diện tích. Tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng)… đã hình thành các vùng nuôi cá lóc bông tập trung với tổng diện tích 44ha, sản lượng đạt 650 tấn, nhiều hộ nuôi thu nhập 130 – 180 triệu đồng/ha. Vùng nuôi cá diêu hồng tập trung với sản lượng hàng hóa lớn ở xã Hải Châu (Hải Hậu) năm 2013 đạt trên 700 tấn, mỗi ha cho doanh thu 500 triệu đồng, thu lãi 140 – 150 triệu đồng. Một trong những nguyên nhân thành công trong nuôi thuỷ sản là các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trong tỉnh đã chủ động được nguồn giống bảo đảm chất lượng, các hộ nuôi xuống giống trong khung thời vụ tốt nhất. Năm 2013, toàn tỉnh có 81 trại giống thủy sản (59 trại giống hải sản, 22 trại giống thủy sản nước ngọt) đã sản xuất được 10.203 triệu con giống thủy sản các loại, tăng 1.792 triệu con so với năm 2012, bằng 121,3%. Các trại sản xuất giống nước ngọt cung ứng đủ cho nhu cầu nuôi trong tỉnh và đang dần hoàn thiện công nghệ sản xuất cá lăng chấm, lươn, cá ngạnh… nhằm đa dạng hóa các loài nuôi. Các trại giống hải sản đã sản xuất được 8.758 triệu con giống các loại, trong đó sản xuất được 129 triệu con tôm sú P15, 24 triệu con cua biển C1, 15 triệu con cá bống bớp hương, 8.583 triệu con giống nhuyễn thể… Hiện, tỉnh đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất giống một số loài nhuyễn thể (hàu, tu hài, ngao), tôm sú, cá bống bớp, cua biển… Một số giống mới được mở rộng sản xuất như cá chim biển vây vàng, cá sủ đất… chất lượng nguồn giống sản xuất trong tỉnh hơn hẳn con giống nhập từ nơi khác về, đáp ứng 60 – 70% nhu cầu nuôi thả của tỉnh.
Nuôi thủy sản tỉnh Nam Định tuy có bước phát triển khá song còn chậm, chưa thật sự ổn định và vững chắc. Tốc độ phát triển của ngành chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương, chưa có đối tượng nuôi chủ lực cho vùng nước ngọt. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, các vùng dự án nuôi thủy sản tập trung hiệu quả chưa cao, hệ thống kênh mương, ao đầm và các công trình phụ trợ xuống cấp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, chỉ đạo sản xuất, công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa ngành NN&PTNT với các huyện chưa chặt chẽ, thường xuyên, hệ thống tổ chức thủy sản tại các huyện, xã chưa có hoặc còn yếu, lực lượng cán bộ kỹ thuật ngành nuôi thủy sản còn thiếu và yếu… Khắc phục những hạn chế này là điều kiện cần để phát triển nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa.