Đã thành thông lệ, cứ thu hoạch xong vụ lúa là nông dân làm theo mô hình lúa – tôm ở ĐBSCL lại tiến hành thuốc cá, tạo “môi trường sạch” để thả nuôi vụ tôm mới.
Bức tử cá đồng
Vùng U Minh Thượng từ lâu đã nổi tiếng là vựa cá đồng không chỉ của riêng Kiên Giang mà cả khu vực ĐBSCL. Những khu rừng tràm ngập nước không chỉ là nơi sinh sống của các loài thủy sản mà còn là “túi cá” cung cấp nguồn con giống cho những ruộng lúa mùa bạt ngàn, mỗi năm chỉ SX một vụ, không phân hóa học, không thuốc trừ sâu.
Nông dân nơi đây xưa kia ít tiền, nghèo bạc nhưng có một thứ lúc nào trong nhà cũng sẵn, đó là cá đồng. Cá đồng họ không phải nuôi mà mỗi khi có nhu cầu ăn hay nhà có khách thì chỉ cần quăng vài mẻ chài, thả vài tay lưới là ăn mệt nghỉ.
Ông Hai Chi (Lê Văn Chi) ở xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang) cho biết: “Trước đây, người dân vùng U Minh Thượng toàn ăn cá lựa, tức là lựa con nào to béo đủ kích cỡ mới ăn, còn lại thả về tự nhiên làm giống cho năm sau”.
Cá đồng bị bức tử bằng thuốc
Cách đây gần 40 năm, ông Hai Chi từ Rạch Giá về An Minh cưới vợ rồi lập nghiệp luôn ở quê vợ. Lần đầu về quê, thấy cá nhiều quá ông liền kêu vợ làm vài con ăn cho đã. Nhưng khi dọn ra, ông ăn tới ngắc ngứ vẫn chưa hết nửa con “cá có râu”, còn anh em bên vợ chỉ ăn vài miếng cá cầm khách vì ai cũng ngán.
“Một lần theo cha vợ ra ruộng bắt cá, thấy con cá lóc to, tui ham quá liền nhào xuống chụp, nhưng do dân chợ chưa quen bắt cá dưới nước nên liền bị nó “tung chưởng” một cú thật mạnh vào bụng, xỉu luôn tại bờ mương. Từ đó, thấy cá to quá là tui sợ không dám bắt”, Hai Chi nhớ lại.
Thế nhưng, câu chuyện ăn cá lựa giờ chỉ là chuyện “vang bóng một thời”, hay là chuyện của những lão nông đêm trăng chải chiếu trước nhà kể cho con cháu nghe mà thôi.
Từ khi xuất hiện con tôm sú, cá đồng đã bị thất thế và phải ngậm ngùi nhường vùng lãnh thổ mà mình đã cư ngụ hàng trăm năm cho loài ngoại lai. Mỗi năm, chỉ có vài tháng ngắn ngủi mùa mưa, nông dân cấy lúa thì con cá đồng mới có đất sống. Nhưng cứ sau vụ lúa, những con cá chưa kịp lớn đã bị bức tử bằng các loại thuốc độc.
Phơi cá đồng bị đánh thuốc chết
Con nào may mắn thoát chết thì cũng không thể tồn tại được bởi “nước mặn nhập điền”, dưới sông, trên ruộng đều mặn chát như biển. Khi mới chuyển đổi qua mô hình lúa – tôm, để tiết kiệm nông dân không ngần ngại dùng các loại thuốc trừ sâu cực độc để thuốc cá (diệt tạp). Chỉ cần tạt vài chai thuốc xuống ruộng là sáng ra cá chết nổi trắng đồng, gió thổi tấp vào bờ thúi cả một góc ruộng.
Trưởng phòng NN-PTNT An Minh Võ Hoàng Việt cho biết, hiện nay diện tích thả nuôi tôm toàn huyện đạt trên 38.200 ha, chủ yếu là nuôi theo hình thức lúa – tôm. Với diện tích này, lượng cá bị tiêu diệt để nhường chỗ cho con tôm hằng năm lên đến cả ngàn tấn. |
Nhưng những năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, nông dân đã có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, họ thuốc cá bằng dây thuốc cá hoặc các loại hóa chất được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Ông Út Khoa (Huỳnh Văn Khoa), ở xã Thuận Hòa, An Minh tâm sự: “Để nuôi tôm bắt buộc nông dân phải diệt hết cá tạp trong vuông mới có thể thả giống được. Mỗi ha nông dân sẽ rải từ 20 – 30 kg rễ cây thuốc cá (tùy mực nước cao thấp) là diệt sạch cá tạp. Giá dây thuốc cá hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg, chỗ bán đã xay sẵn, chỉ mua về rải ra ruộng là xong. So với thuốc BVTV thì loại này ít độc hơn, cá trúng thuốc sẽ nổi lên mặt nước, nếu được vớt lên bờ bỏ vào thau nước sẽ tỉnh lại. Tuy nhiên, những con còn sót lại dưới ruộng thì đều bị tiêu diệt hết”.
Về xứ cá ăn… tôm
“Ở xứ cá mà phải ăn tôm”, câu chuyện phiếm truyền khẩu của Bác Ba Phi được nhà văn Anh Động sưu tầm, ghi chép lại để lưu truyền cho hậu thế không ngờ lại đang dần trở thành hiện thực.
Từ khi có sự xuất hiện của con tôm sú, cá đồng phải nhường vùng lãnh thổ cho loài ngoại lai
Một người bạn Việt kiều Úc biết tôi có người thân ở vùng Miệt Thứ – U Minh nên nhờ dẫn về quê chơi cho biết. Người bạn này thích ăn các món dân dã đồng quê nên tôi hẹn đúng ngày thuốc cá để dẫn xuống.
Khi chúng tôi xuống tới nơi, một lượng lớn cá đồng khoảng gần 100 kg bị trúng thuốc đã được chủ nhà vớt sẵn lên bờ, một ít bán cho thương lái, còn lại làm khô. Dưới ruộng vẫn còn rất nhiều con ngoi ngóp đâm đầu vào bờ để thở.
Những người con của bạn tôi thích thú xắn quần lội xuống ven ruộng bắt cá. Chúng cứ hỏi tôi sao cá ở đây dễ bắt đến thế. “Do chúng đang mệt”, tôi trả lời qua loa vì sợ nói cá bị trúng thuốc độc chắc những đứa trẻ vốn được sinh ra và lớn ở nước ngoài sẽ không dám ăn.
Gần trưa, một lò than hồng được đốt lên. Những con cá lóc đồng mập ú được đưa lên lò nướng vàng ươm, thơm phức. Một bữa tiệc dân dã được dọn ra, thịt cá lóc đồng thơm ngọt chứ không tanh tanh và bở như thứ cá lóc nuôi bán đầy ở chợ.
Nhìn ông bạn Việt kiều ăn có vẻ ái ngại, tôi liền giải thích: “Cá được thuốc bằng dây thuốc cá chứ không phải thuốc trừ sâu. Rễ cây này có chứa nhiều hoạt chất rotenol, khi giã nát sẽ cho ra một chất nước màu trắng đục, có mùi nồng cay, rất độc đối với các loài cá, ếch, lươn. Chất rotenol khi tiếp xúc với cá, côn trùng sẽ làm cho chúng bị tê liệt trung khu hô hấp, hoạt động yếu dần rồi chết.
Tuy nhiên, rotenol là hợp chất không bền vững với thời gian, dễ bị phân giải thành chất vô hại dưới ánh sáng mặt trời hay do tiếp xúc với oxy trong không khí. Theo các chuyên gia thì cây thuốc cá dùng để diệt cá, trừ sâu nhưng không có hại qua đường tiêu hóa với người và động vật máu nóng”. Nhờ được giải thích như vậy mà người bạn Việt kiều mới dám ăn.
Hiện nay, mùa thuốc cá là dịp duy nhất trong năm về vựa cá đồng U Minh Thượng khách được mời ăn cá đồng thoải mái, mà đúng là loại cá đồng thứ thiệt. Còn ngoài ra, phần lớn cá đồng bán ở các chợ vùng U Minh Thượng hiện nay là cá nuôi từ nơi khác chuyển đến.
Ông Út Ân, một lão nông đã gần 80 năm gắn bó với vùng đất U Minh Thượng, ngậm ngùi: “Bây giờ, khách đến đây chơi muốn ăn tôm, cua lúc nào cũng có sẵn, nhưng muốn ăn con cá đồng chính hiệu rừng U Minh thì khó lắm. Con tôm bây giờ có giá, mỗi kg tôm bằng 4-5 kg cá đồng nên có con cá nào người ta tiêu diệt hết, sợ chúng ăn tôm”.
Không ít người vẫn có thói quen hễ đi ngang qua vùng Miệt Thứ – U Minh là mua vài ký cá đồng, lươn đồng mang về ăn dần. Bởi cá đồng rừng U Minh thịt rất ngon, ai ăn cũng thích. Con lươn rừng U Minh cũng vậy. Nhưng mua về rồi mới vỡ lẽ bị dính quả lừa cá nuôi.
Chuyện ở vựa cá mà phải nhập cá từ nơi khác về tiêu thụ đã trở thành hiện thực và làm đau thắt lòng những người yêu thích con cá đồng vùng Miệt Thứ – U Minh.
>> Một người bà con sống ở vùng đệm U Minh Thượng khuyên tôi: “Muốn ăn lươn tự nhiên thì nhờ anh mua cho, kẻo lại bị lừa. Đừng thấy họ đi đặt ống lươn (một loại bẫy bắt lươn) mà tưởng thật. Lươn nuôi giá chỉ khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/kg, còn lươn thiên nhiên lên đến 200 ngàn đồng/kg mà không có bán. Thế là họ mua lươn nuôi bỏ vào ống, ai mua họ đổ ra bán lời gấp đôi. Dân chợ như em khó mà phân biệt”. |