Quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, việc đóng góp của các mô hình hợp tác xã có ý nghĩa quan trọng trong định hướng và hoạt động thực tế.
Mạnh từ tập thể
Việc ra đời các hợp tác xã (HTX) xuất phát từ nhu cầu thực tế do hoạt động các cá nhân đơn lẻ vốn mang lại hiệu quả thấp, không tạo được tiếng nói tập thể…
HTX Lý Hà Đông (xã Chơ Rô Pơ Nan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hoạt động từ năm 2008, tổng vốn góp 1,3 tỷ đồng; chủ yếu nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Sau hơn 3 năm, HTX đã có 18 ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, 2 ha sản xuất cá giống rô phi đơn tính và cá điêu hồng. Việc sản xuất cá rô phi đơn tính của HTX được tiếp nhận từ công nghệ sinh sản nhân tạo và sử dụng hoóc môn chuyển đổi giới tính do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao. Mô hình góp phần giải quyết nhu cầu về cá giống rô phi đơn tính cho 5 tỉnh Tây Nguyên; Đồng thời, HTX đã làm chủ được công nghệ, số lượng cá rô phi đơn tính sản xuất ra không kịp cung cấp cho thị trường.
Nhiều năm liền làm ăn hiệu quả, một số HTX nuôi cá tra tại Cần Thơ như HTX Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) năm 2013 đạt sản lượng cá tra trên 6.000 tấn (tăng gần 2.000 tấn so năm 2012), doanh số 126 tỷ đồng, kết quả kinh doanh khá tốt. Hay HTX Thới An (quận Ô Môn), sản lượng, doanh số giảm so với các năm trước nhưng vẫn giữ được sản lượng hơn 5.000 tấn, doanh số 115 tỷ đồng, lãi hơn 5 tỷ đồng. Có được kết quả trên do hai HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm, bảo đảm cho hộ thành viên nuôi cá có lãi (ở HTX Thắng Lợi bình quân mỗi hộ có lãi khoảng 304 triệu đồng/năm).
Hiện, nhiều mô hình HTX cho hiệu quả cao Ảnh: Trần Út
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, Hiệp hội hiện có 160 người, sở hữu 2.700 ha nuôi tôm.
Hiệp hội là nơi hội viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nuôi tôm theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.
Chủ nhiệm HTX Thủy sản Tân Phát, huyện Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Hồng cũng khẳng định, từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, HTX đã giúp các xã viên về kỹ thuật, công nghệ nuôi cá tra, nắm bắt thông tin thị trường, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, HTX đã tạo được tiếng nói với nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy cam kết bán thức ăn cho xã viên với giá gốc. Nhờ áp dụng VietGAP, sản lượng cá tra năm 2013 toàn HTX (2.000 tấn) đều đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh thu 21 tỷ đồng, lãi trên 1,6 tỷ đồng.
Không ít khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thì nhiều HTX còn khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm, thường bị ép giá; trình độ xã viên còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm. Nhiều HTX không tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp nên hoạt động bị tắc nghẽn. Tại ĐBSCL, các xã viên còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn; điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng (cơ sở chế biến, kho lạnh, cảng cá…) để làm dịch vụ cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm chia sẻ, hoạt động của Hiệp hội thời gian qua cũng gặp khó do thiếu vốn, người nuôi không có điều kiện áp dụng những mô hình thực tế, đặc biệt với tình trạng bệnh tôm vẫn đang xảy ra, các hội viên cũng chịu ảnh hưởng lớn khi diện tích tôm bị bệnh tăng cao, trong khi tái sản xuất còn vướng. Với HTX Thủy sản Tân Phát, do vốn ngân hàng cho vay được tính theo hạn mức giá trị tài sản thế chấp của người nuôi (tương đương từ lúc thả nuôi đến khi cá đạt 0,5 kg, giai đoạn còn lại người nuôi không còn được tiếp cận vốn ngân hàng), nên xã viên phải tự xoay sở vốn, phải cam kết, hợp tác với những nhà máy chế biến thức ăn, dù đã được bán giá gốc nhưng mức lãi suất vẫn gấp đôi so với lãi suất ngân hàng áp dụng cho vay (Ngân hàng NN&PTNT cho vay với mức 9%/năm, nhà máy chế biến thức ăn cho vay với mức 18%/năm). Bên cạnh đó, tiếng nói của HTX còn “nhỏ” nên doanh nghiệp chưa cam kết mua sản phẩm cho người nuôi đúng kỳ thu hoạch….
HTX Lý Hà Đông được biết đến với cá rô phi đơn tính Ảnh: Vũ Mưa
Cần nhiều biện pháp mới
Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đã kiến nghị tới Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và Tổng cục Thủy sản đề xuất giữ ổn định giá bán thức ăn nuôi tôm tại các nhà máy chế biến, phân phối, giúp người nuôi được tiếp cận mức hợp lý. Bởi, hiện nay hơn 90% các nhà máy chế biến thức ăn tại Việt Nam do công ty nước ngoài nắm giữ nên giá thức ăn hoàn toàn bị lệ thuộc nước ngoài, người nuôi “gánh đủ”. Còn theo ông Hồng, hệ thống ngân hàng cần sớm hỗ trợ vốn cho người nuôi cá tra theo chu trình dài hơn, đảm bảo từ khi thả nuôi tới khi cá được mua. Hơn nữa, việc liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nuôi phải sớm được thực hiện để đảm bảo người nuôi có lãi, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”.
Về chiến lược dài hạn, để tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX cần tập trung có định hướng trong việc hướng dẫn sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho các hộ xã viên. Ngoài ra, cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, huy động nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa canh, từng bước nâng cao năng lực để tham gia làm chủ các dự án phát triển nông nghiệp.
>> Cả nước hiện có hơn 500 HTX và 2 liên hiệp HTX nghề cá. Vùng ĐBSCL hiện có 155 HTX thủy sản, trên tổng số 1.534 xã, phường, thị trấn, với trên 336 nghìn hộ tham gia, chiếm trên 1/3 số HTX thủy sản của cả nước. Năm 2014, các HTX hoàn thiện tổ chức và hoạt động, tăng cường liên kết giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp…
|