Với cách làm sáng tạo trên loại hình nuôi tôm nước tĩnh, nông dân huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau khẳng định bước đầu về tính hiệu quả từ năng suất tăng cao, bền vững và ổn định môi trường.
Thu nhập cao và ổn định
Nhận thấy mô hình nuôi tôm tại các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời… tôm phát triển và sinh trưởng tốt mà không phải hằng tháng lấy nước và xổ như mô hình nuôi tại địa phương, ông Hoàng Đức Mạnh, ấp Ông Chừng, xã Đất Mới (huyện Năm Căn), bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện. Ông chia vuông tôm thành 2 phần riêng biệt. Một bên xổ nước hằng tháng theo lối canh tác nhiều năm qua, một bên ông áp dụng mô hình nuôi nước tĩnh.
Sau thời gian thử nghiệm, ông Mạnh nhận thấy bên vuông nuôi nước tĩnh, màu nước không được tốt, vẫn còn xảy ra dịch bệnh. Nhận thấy người dân các huyện thành công vụ tôm trên đất trồng lúa do gốc rạ góp phần cải thiện môi trường nước nên ông Mạnh nghĩ ra cách lấy cám thay gốc rạ.
Nuôi tôm nước tĩnh hạn chế rủi ro, năng suất tôm nuôi tăng – Ảnh: Thanh Ngân
Ông Mạnh tiến hành thử nghiệm từ 2 thau nước, 1 thau có sử dụng cám tỷ lệ tôm post sống 100%, thau còn lại tôm post chết trên 50% sau 2 – 3 giờ. Ông Mạnh nhận định: “Sau thời gian nuôi thử nghiệm 6 tháng xổ vuông nước tĩnh có sử dụng cám cho năng suất tôm, cua và các loại thủy sản khác tăng gấp 2 lần vuông không sử dụng cám. Và kích cỡ các loại tôm, cua lớn hơn ao không sử dụng cám”.
Với cách làm trên, ông Mạnh thu hoạch tôm trên 200 triệu đồng, cua không dưới 100 triệu đồng, ngoài ra còn các loại tép và cá. Cùng làm theo cách của ông Mạnh, trong ấp Ông Chừng có nhiều hộ thu nhập khá cao.
Ông Trương Quốc Duẩn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Trong năm 2013, chúng tôi xác định mô hình nuôi tôm nước tĩnh sẽ cải thiện về năng suất cho vùng chuyên tôm nên mở các lớp tập huấn kỹ thuật hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân tiếp cận, thực hiện và nhân rộng mô hình này. Còn loại hình tôm – rừng cũng đang cho hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sinh thái”.
Cũng trên mô hình này, ông Đoàn Thành Công, ấp Bùi Mắc, xã Đất Mới, tiến hành phơi mặt trảng, kênh và bón vôi, thuốc cá, sau đó lấy nước, bón phân và thả tôm giống. Ông còn cẩn thận ghi chép nhật ký ngày thả, số lượng tôm giống, diễn biến môi trường trong quá trình nuôi, tổng số tôm thương phẩm bán được và tổng số tiền thu được.
Ông cho biết: “Mô hình được thực hiện trên con kênh ngang 6 thước, dài 15 công, vụ đầu ông thả 19 triệu đồng tiền con giống, tôm thương phẩm bán được 165 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, vụ sau năm 2012, ông thả 80.000 con sú giống, sau 5 tháng thu hoạch được 858 kg tôm thương phẩm, lãi 230 triệu đồng”.
Nhân rộng mô hình
Để mô hình nuôi tôm nước tĩnh được nhân rộng và phát triển bền vững hơn, ngoài việc hướng dẫn người dân thực hiện mô hình cải tạo vuông tôm đúng kỹ thuật, thả tôm giống sạch bệnh và thả đúng lịch thời vụ, phơi đầm cắt vụ… Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn sẽ hướng dẫn phương pháp bón cám, phân vào vuông tôm là quá trình bổ sung thức ăn gián tiếp, gây màu nước, từ đó giúp tôm có nguồn thức ăn tự nhiên và môi trường nuôi ổn định cho tôm phát triển.
Cùng với thành công trên tôm, hiện nay đa số hộ nông dân trên địa bàn huyện kết hợp nhiều đối tượng nuôi như sò huyết, cua đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích của loại hình nuôi tôm nước tĩnh. Đây là bước đi hiệu quả mà người dân trong huyện đang hướng đến.
Nhiều hộ nuôi tôm ở Năm Căn nhận định, dịch bệnh hiện nay đã giảm đáng kể và hiệu quả về năng suất ngày càng cao.
Theo đó, ngành chức năng nhận định mô hình nuôi tôm nước tĩnh được áp dụng hiệu quả một phần là do hộ nuôi ít thay nước, việc sên vét ao đầm được người dân tuân thủ và làm đồng loạt, từ đó dịch bệnh cũng hạn chế rất nhiều.
Ông Trần Thanh Thoảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mới, cho biết: Cách thả nuôi truyền thống trên loại hình tôm – rừng và chuyên tôm đã qua nhiều rủi ro. Từ khi người dân chuyển sang áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm nước tĩnh thì ít rủi ro hơn, năng suất tôm nuôi tăng, thu nhập của người dân cũng tăng theo. “Năm 2012, toàn xã có 202 hộ nghèo, năm 2013 chỉ còn 137 hộ. Có được kết quả này, phần lớn do thu nhập ổn định từ tôm mà điển hình từ mô hình nuôi tôm nước tĩnh”.
>> Tổng diện tích nuôi tôm của huyện Năm Căn là 25.000 ha. Trong đó, diện tích tôm – rừng 17.000 ha, còn lại là chuyên tôm; tập trung ở các xã: Hàng Vịnh, Hàm Rồng, Hiệp Tùng, Đất Mới và một phần thị trấn Năm Căn. Năng suất bình quân 400 – 500 kg/ha. |