Cá sặc rằn (Trichopodus pectoralis) là loài bản địa có giá trị kinh tế. Cá có thể nuôi được ở mật độ cao ở cả nước ngọt, lợ với chi phí thấp; là một trong những đối lượng nuôi quan trọng mang lại lợi nhuận cao đối với người dân vùng ĐBSCL.
Đặc điểm sinh học
Sặc rằn là loài cá sống ở nước ngọt và nước lợ, phân bố nhiều ở Thái Lan và Campuchia, ở Việt Nam cá xuất hiện nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Cá sống tập trung trong các vùng trũng ngập nước quanh năm, sinh sản tự nhiên trong ruộng, kênh mương.
Thân cá dẹt, vây ngực dài, vây lưng cá đực dài và nhọn, vây lưng cá cái tròn. Cá đực màu sắc nổi bật hơn cá cái. Vây bụng như sợi chỉ, gai vây lưng ngắn, tia dài, đuôi hơi phân thùy. Cơ thể có màu sáng, vàng nâu, nhiều sọc đen chéo chỗ đậm chỗ nhạt. Cá sống đơn lẻ hoặc nhóm, kích cỡ tối đa 20 cm (200 – 250 g/con). Ngoài hô hấp bằng mang cá còn có cơ quan hô hấp phụ (thở khí trời) nên có thể sống được ở nước có ôxy hòa tan thấp, mùn bã hữu cơ nhiều và pH thấp (pH = 4 – 4,5).
Ảnh: Trần Út
Nhiệt độ thích hợp cho cá phát triển 24 – 300C. Cá sinh sản sau 7 tháng nuôi. Khi thành thục, cá đực có phần tia mềm vây lưng kéo dài tới hoặc vượt gốc vây đuôi, cá cái phần tia này ngắn hơn, cá đực có miệng to hơn cá cái. Ngoài tự nhiên cá sinh sản vào tháng 5 – 9. Ở điều kiện nhân tạo cá đẻ từ tháng 2 – 9. Cá có sức sinh sản cao, 1 kg cá cái có thể đẻ 20 – 30 vạn trứng. Khi sinh sản cá cặp đôi, tìm đến nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh để đẻ. Cá đực nhả bọt, cá cái đẻ trứng, trứng thụ tinh và được cá đực dùng miệng gom lại rồi đặt vào tổ bọt. Trong thời gian ấp trứng, cá đực bơi quanh tổ để bảo vệ. Ở nhiệt độ nước 28 – 300C nở thành cá bột sau 20 – 26 giờ. Sau khi nở 2,5 – 3 ngày cá bắt đầu sử dụng thức ăn bên ngoài, là động thực vật phù du và ấu trùng côn trùng (tảo, trứng nước, loăng quăng…). Cá ương trong ao đạt chiều dài 2 – 3 cm sau 1 tháng nuôi. Khi lớn, cá ăn tạp thức ăn là mùn bã hữu cơ, động thực vật phù du và các loại thực vật thủy sinh mềm trong nước. Cá cũng sử dụng tốt các loại thức ăn khác như: các loại cám, bột ngũ cốc và động vật.
Tình hình nuôi
Với ưu điểm như dễ nuôi, phổ thức ăn rộng, sức sinh sản lớn, và sinh sản tự nhiên trong ao nên cá có thể nuôi được các loại hình như thâm canh, bán thâm canh và quảng canh. Do chịu được hàm lượng ôxy thấp nên có thể nuôi cá ở mật độ cao, ít bệnh tật. Với diện tích nuôi thích hợp 500 – 2.000 m2, mật độ thả 30 con/m2, độ sâu ao 1 – 1,5 m, sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tự chế. Sau 9 – 10 tháng cá đạt trọng lượng 100 – 150 g/con có thể thu hoạch. Cỡ cá 6 – 10 con/kg có giá 60.000 – 65.000 đồng/kg. Với năng suất đạt 20 – 30 tấn/ha, đem lại lợi nhuận từ 450 – 550 triệu đồng/ha.
Khi giá trị của cây lúa mang lại lợi nhuận không cao cho người dân thì nuôi cá sặc rằn là một trong những hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, tạo ra sản phẩm có giá trị cao giúp người dân xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
>> Cá sặc rằn thịt chắc, thơm ngon, giàu đạm, ngoài việc chế biến thành các món ăn ngon còn được phơi làm khô cá (cá bổi). Sau 7 – 10 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 85%, hệ số thức ăn đạt 1,8 (cám công nghiệp) và 2,5 – 3,0 (cám tự chế). Hiện, giá cá sặc rằn thương phẩm tươi bán trên thị trường dao động 60 – 80 nghìn đồng/kg (cỡ 6 – 10 con/kg), cá khô 250 – 300 nghìn/kg. |
Địa chỉ cung cấp giống 1. Công ty CP Lâm Dũng, đường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ông Dũng. Điện thoại: 0982 825 454 2. Cơ sở cá giống Văn Liêm, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông Liêm. Điện thoại: 0916 777 072 3. Trại cá giống Năm Phong, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông Phong. Điện thoại: 0939 255 009 |