Nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh kiếm tiền tỷ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm sú luôn được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, vì vậy có nhiều mô hình hiệu quả cao. Cách làm của ông Trần Văn Tỷ (ấp Trung Điền, thôn Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là một ví dụ tiêu biểu.

Bén duyên với tôm

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống ao nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) của gia đình ông Tỷ, diện tích 2,5 ha chia thành 10 ao nuôi, 1 ao lắng. Ông Tỷ kể cho chúng tôi về những năm tháng thăng trầm trong nghề nuôi tôm; đổi lại, ông cũng đã gặt hái nhiều thành công, từng bước cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Ông cho biết, cách đây hơn 20 năm, đời sống kinh tế gia đình ông còn rất nhiều khó khăn, phải làm việc vất vả nhiều nghề mới đủ sống. Ước mơ đổi đời và tìm ra mô hình sản xuất nào mới đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình là điều ông luôn trăn trở.

Đến năm 2002, khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi sản xuất từ canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ông đã mạnh dạn ủi và cải tạo 1 ha nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm sú bán thâm canh. Năm đầu tiên, do điều kiện phục vụ nuôi tôm sú thuận lợi, đất đai và nước ngoài kênh rạch đảm bảo chất lượng nên ông thành công, lãi gần 100 triệu đồng. Đó là tiền đề để ông mở rộng diện tích nuôi trong những vụ tiếp theo.

Từ năm 2003 đến 2010, ông tiếp tục ủi, cải tạo 1,5 ha còn lại sang nuôi tôm sú thâm canh – bán thâm canh. Nhờ biết học hỏi kỹ thuật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp tổ chức, với sự nhạy bén và kinh nghiệm của mình, ông Tỷ đã biết cách tổ chức thực hiện mô hình nuôi tôm sú ngày càng hiệu quả hơn và liên tiếp gặt hái nhiều thành công. Mỗi năm thu hoạch 8 – 10 tấn tôm sú thương phẩm, trừ chi phí còn lãi hơn 550 triệu đồng. 

 

Quyết tâm làm giàu

Đến năm 2011, khi nuôi tôm sú thâm canh – bán thâm canh đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất của người dân. Không nản chí, ông Tỷ thấy cần phải tìm đối tượng nuôi khác thay thế tôm sú. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi và được sự tư vấn của các cơ quan chuyên môn, ông đã quyết định chuyển sang nuôi TTCT thâm canh với diện tích 2,5 ha.

Ông Trần Văn Tỷ thành công với mô hình nuôi TTCT thâm canh – Ảnh: Trần Thiện

Theo ông Trần Văn Tỷ, một trong những ưu điểm của nuôi TTCT là thời gian nuôi ngắn (2,5 – 3 tháng), có thể nuôi với mật độ cao (80 – 100 con/m2) cao, thu hoạch sản lượng lớn.

Tuy nhiên, nuôi TTCT đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với tôm sú, nhất là đảm bảo nhu cầu ôxy hòa tan trong suốt quá trình nuôi. Đồng thời, khả năng tiêu tốn thức ăn cũng cao hơn nuôi tôm sú: Nếu nuôi với mật độ 80 con/m2 trên 1 ha thì từ tháng 2 đến khi thu hoạch trung bình cho ăn 250 – 300 kg thức ăn/ngày (gấp 3 – 4 lần so với tôm sú). Để đảm bảo nhu cầu ôxy cho TTCT, ông Tỷ đã đầu tư hơn 250 triệu đồng cho hệ thống ôxy đáy kết hợp hệ thống quạt nước bằng môtơ điện; nhờ đó tôm nuôi phát triển tốt, sản lượng ổn định, chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cũng tăng cường theo dõi sức khỏe tôm, quản lý môi trường nước để xử lý kịp thời, hạn chế rủi ro.

Năm 2013, ông Tỷ thu hoạch hơn 25 tấn TTCT thương phẩm (giá bán 160.000 đồng, loại 50 con/kg), thu nhập hơn 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 1,5 tỷ đồng.

>> Ông Trần Văn Tỷ đã hơn 10 nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh (7 năm nuôi tôm sú, 3 năm gần đây nuôi TTCT), thành công nhiều vụ liên tiếp, thu nhập 400 – 600 triệu đồng/năm, đang thuộc diện “nông dân sản xuất giỏi” của huyện Đông Hải.

Trần Thiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!