Hòa Bình: Phát huy các mô hình khuyến ngư hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm qua, khuyến ngư tỉnh Hòa Bình có nhiều hoạt động tích cực đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2014, để phát triển các mô hình khuyến ngư, Hòa Bình đã có nhiều biện pháp thiết thực. Thủy sản Việt Nam vừa có cuộc trò truyện với ông Vương Đắc Hùng (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình xung quanh vấn đề này.


Điểm nhấn trong kết quả hoạt động khuyến ngư của tỉnh trong năm 2013 là gì, thưa ông?

Năm 2013 các hoạt động khuyến ngư của tỉnh Hòa Bình được triển khai thực hiện tại các huyện, xã thông qua các hình thức: 6 lớp tập huấn Luật Thủy sản và 5 lớp nuôi thủy sản cho nông dân và thanh niên tại các địa phương trong tỉnh; Xây dựng 1 mô hình nuôi cá hồ chứa nhỏ kết hợp tập huấn kỹ thuật theo phương pháp hiện trường; Xây dựng các chương trình phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản phát trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thành công Diễn đàn @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi cá lồng bền vững”, với sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện nghiên cứu chuyên ngành, các nhà khoa học, ngư dân, cơ quan thông tấn báo chí, lãnh đạo UBND tỉnh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến ngư còn gặp không ít khó khăn, ý kiến của ông về vấn đề này?

Hiện nay, hệ thống khuyến ngư cơ sở chưa có, các huyện chưa có cán bộ chuyên môn; Số lượng cán bộ Chi cục Thủy sản còn thiếu, địa bàn quản lý rộng, đi lại khó khăn. Cùng đó, trình độ dân trí không đồng đều nên việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật triển khai các hoạt động khuyến ngư còn gặp nhiều khó khăn; Diện tích nuôi thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ…

Nuôi cá lồng là thế mạnh của tỉnh Hòa Bình – Ảnh: Vũ Mưa

Mặt khác, kinh phí đầu tư cho ngành thủy sản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh; Người dân thiếu vốn sản xuất, vốn vay không đủ cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, con giống, thức ăn nên áp dụng công nghệ nuôi không được đồng bộ, khả năng rủi ro cao dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định và bền vững; Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, giá trị kinh tế thấp, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, các loài cá có giá trị kinh tế cao chưa phát triển mạnh.

 

Ông đánh giá như thế nào về những mô hình khuyến ngư trình diễn (nuôi cá lồng bè, rô phi, ếch…) của tỉnh thực hiện?

Thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, người dân được tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình điển hình, vì vậy công tác khuyến ngư là phù hợp và thật sự có hiệu quả. Các mô hình trình diễn được xây dựng theo hướng tập trung, trọng điểm và thuận lợi trong công tác chỉ đạo thực hiện cũng như hiệu quả nhân rộng của mô hình.

Từ đó, tạo điều kiện để nông dân ứng dụng hiệu quả hơn các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế, mở ra hướng sản xuất mới, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Tuy nhiên, xây dựng các mô hình khuyến ngư vẫn là một trong những hoạt động trọng tâm cần được nhân rộng nhằm khuyến khích người sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản đa dạng, đảm bảo chất lượng, có giá trị về kinh tế.

 

Nuôi cá lồng bè là một thế mạnh của tỉnh Hòa Bình, vậy những biện pháp nào cần được triển khai để phát triển, thưa ông?

Nuôi cá lồng bè là một nghề truyền thống ở Hòa Bình, tập trung chủ yếu trên hồ thủy điện Hòa Bình, nuôi nhiều nhất là các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Để phát triển nghề này, UBND tỉnh đã phê duyệt những giải pháp phát triển đồng bộ từ chính sách, tổ chức, công nghệ cho đến vấn đề con giống, thức ăn…

Về cơ chế chính sách: Nhanh chóng xây dựng cơ chế khai thác diện tích mặt nước hồ chứa tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất. Trọng tâm là quyền sử dụng mặt nước để phát triển nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ; bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân đều được hưởng lợi khi tham gia hoạt động thủy sản hồ chứa; Hỗ trợ 50% giá trị con giống cá truyền thống cho lần nuôi đầu nhưng không quá 6 triệu đồng/ha mặt nước cho các tổ chức, cá nhân có phương án, dự án nuôi trồng thủy sản…

Về đầu tư cơ sở hạ tầng: Kết hợp với các ngành kinh tế khác (điện lực, giao thông…) để xây dựng các dự án đa mục tiêu, nhằm giảm nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất. Tranh thủ các nguồn vốn trong nước và từ các tổ chức nước ngoài để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá của tỉnh.

Về giống thủy sản: Đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa đối tượng nuôi và đa dạng hóa các hình thức nuôi. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ và tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho dân vùng hồ, đặc biệt là nuôi cá lồng.

 

Ông có thể cho biết hoạt động trọng tâm của khuyến ngư Hòa Bình năm 2014?

Chúng tôi tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung chỉ đạo nông dân khai thác hiệu quả các loại hình mặt nước, duy trì và mở rộng diện tích nuôi thủy sản, qua đó tạo điều kiện để nông dân tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới, từng bước áp dụng vào thực tiễn; Thực hiện các chương trình khuyến ngư năm 2014 đạt 100% kế hoạch được phê duyệt xây dựng các tờ rơi về tuyên truyền kỹ thuật nuôi thủy sản; Tờ rơi cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Nuôi cá hồ chứa nhỏ, nuôi cá điêu hồng trong lồng, nuôi ếch lồng.

Tỉnh phối hợp chặt với các cơ quan, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân; Đề xuất UBND tỉnh xây dựng đề án nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất gắn với thị trường nâng cao giá trị gia tăng.

>> Hiện, hồ thủy điện Hòa Bình có khoảng 1.250 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá lăng, chiên, bỗng, tầm… Sản lượng cá lồng tăng từ 400 tấn năm 2010 lên khoảng 800 tấn năm 2013. Giá trị kinh tế thu lợi được từ mỗi lồng nuôi cá (thể tích trung bình 30 m3) đạt khoảng 40 triệu đồng/lồng/năm.

Anh Vũ (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!