Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) mới đây đã tổ chức hội thảo “Nghề lưới rê hỗn hợp – giải pháp tái cơ cấu và cơ sở chuyển đổi nghề tỉnh Quảng Nam”.
Lưới rê có thể khai thác ở vùng biển gần bờ lẫn xa bờ – Ảnh: Phan Thanh
Hiện nay, những nghiên cứu về khai thác hải sản tại Quảng Nam trong thời gian qua đã khẳng định xu hướng vươn khơi, khai thác trên các vùng biển xa (ngư trường thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của ngư dân ngày một lớn hơn khi so với năm 2008, số lượng tàu có công suất từ 90 CV trở lên đã tăng gấp 3 lần (226 chiếc). Nhóm nghề khai thác hải sản xa bờ tập trung chủ yếu vào câu mực khơi và lưới vây. Do đó, nếu chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 nhóm nghề khai thác, 1 hoặc 2 đối tượng hải sản thì nguồn lợi sẽ suy giảm nhanh mà sự cạnh tranh sản phẩm khai thác được cũng sẽ không cao do dễ bị ép giá. Trong khi đó, nghề lưới rê hỗn hợp đạt hiệu quả cao qua các chuyến biển gần đây.
Kết luận hội thảo, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam khẳng định, nghề lưới rê hỗn hợp khai thác được đa dạng các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá chim…, có phạm vi hoạt động rộng từ tầng mặt đến tầng đáy nên cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh để đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân và đảm bảo tính bền vững trong khai thác hải sản theo định hướng của tỉnh.
Được biết, nghề lưới rê khai thác được ở vùng có đáy biển phức tạp, ít tiêu tốn năng lượng, có thể khai thác ở vùng biển gần bờ lẫn xa bờ. Hiện ngành chuyên môn đang tăng cường công tác điều tra nguồn lợi, quan trắc tại các vùng biển để cung cấp các bản tin ngư trường khai thác hiệu quả giúp ngư dân tăng sản lượng khai thác. Ngành nông nghiệp Quảng Nam cũng đang đề nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị khai thác và bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân.