Nghề nuôi tôm hùm: Cần nhiều giải pháp để phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều điều kiện đẩy mạnh nghề nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, để phát triển được nghề này không phải là chuyện đơn giản.


“Ngập” trong trở ngại

Thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm ở nước ta bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Nguồn giống hiện nay vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên với sản lượng khai thác 7,5 – 9 triệu con/năm. Một số vùng còn sử dụng thuốc gây mê, thuốc nổ để khai thác, khiến tỷ lệ tôm giống chết gia tăng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết: Các cơ sở nghiên cứu khoa học Việt Nam cũng có thể sinh sản nhân tạo thành công giống, nhưng từ giai đoạn ương nở đến tôm trắng là rất khó. Trong khi đó, từ giai đoạn đẻ trứng đến ra con tôm rất dài, có giai đoạn kéo vài ba tháng nhưng lại không thể biết ấu trùng tôm ăn gì…

Đáng ngại nhất là dịch bệnh trên tôm tùm xảy ra thường xuyên, với bệnh lý trắng râu, long đầu… gây tôm chết, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, tôm hùm nuôi chủ yếu bị bệnh đỏ thân, đen mang và sữa (bệnh sữa là nguy hiểm và khó chữa nhất, từng gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân trong đợt dịch năm 2007 – 2008). Tại các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã xuất hiện và bùng phát bệnh sữa, thiệt hại hơn 160 tỷ đồng và tới hàng trăm tỷ đồng vào năm 2012.

Thu hoạch tôm hùm tại Phú Yên – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

Ngoài ra, công tác quy hoạch vùng nuôi cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đánh giá, nghề nuôi tôm hùm đang bị thu hẹp bởi những tác động từ quy hoạch du lịch, kinh tế – xã hội các địa phương.Cũng vì chưa có quy hoạch, việc phát triển nuôi tôm hùm thiếu bền vững dẫn đến sản lượng thấp, không đều, chỉ khoảng 1.000 tấn/năm, nên hiện nay tôm hùm của Việt Nam chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa, trong khi tình trạng được mùa mất giá hoàn toàn có thể xảy ra.

Mặt khác, đến nay, tôm hùm vẫn chưa có thức ăn nhân tạo, mà chủ yếu vẫn là cá tạp, cua, sò nhỏ… gây ô nhiễm môi trường, người nuôi không chủ động được nguồn thức ăn, nhất là vào mùa đông.

 

Phát triển theo cách nào?

Trước hàng loạt vấn đề đặt ra đối với sự phát triển nghề nuôi tôm hùm khu vực duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, phải tổ chức lại sản xuất, theo hướng hiệu quả, bền vững, để chuyển nghề nuôi từ tự phát thành nghề có quản lý, kiểm soát theo hướng ngày càng hiện đại.

Để làm được điều này, cần tăng cường liên kết, tiến tới thành lập hiệp hội những người nuôi tôm hùm để giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc trong phát triển sản xuất và thị trường; Quy hoạch vùng nuôi tôm hùm, vấn đề này các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho tỉnh có quy hoạch chi tiết; Không để nuôi tôm hùm một cách tự do, tự phát mà phải có quy định điều kiện nuôi; Rà soát lại các chính sách liên quan quản lý nhà nước trong việc nuôi tôm hùm, đặc biệt vấn đề giống; Điều tra nguồn lợi thủy sản, nhằm quy hoạch, quản lý phương pháp khai thác giống, tăng cường thanh tra chuyên ngành để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có thị trường trong nước và xuất khẩu ổn định, phát triển nghề nuôi tôm hùm gắn với tiềm năng du lịch các tỉnh miền Trung.

Riêng về khoa học kỹ thuật, Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành quyết liệt triển khai nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống. Nghiên cứu sớm sản xuất thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm. Giải pháp trước mắt khi chưa có thức ăn công nghiệp là nghiên cứu sử dụng thức ăn tự nhiên không ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hướng sử dụng cá nước ngọt làm thức ăn. Bên cạnh đó, cần phát huy sự sáng tạo của ngư dân trong phát triển nuôi tôm hùm, đưa nghề nuôi phát triển có hiệu quả và bền vững.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, tôm hùm Việt Nam phân bố nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hiện có khoảng 8.000 – 10.000 hộ nuôi, sản lượng 1.385 tấn/năm, chủ yếu tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ. Nghề nuôi tôm hùm đem lại nguồn thu 3.500 tỷ đồng/năm.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!