Dự án nuôi tôm càng xanh tại An Giang có nguy cơ phá sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một dự án điểm, được kỳ vọng là đột phá trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh An Giang, thế nhưng chỉ sau giai đoạn thử nghiệm, khi chính thức đưa vào phát triển đại trà dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ I-xra-en đang đứng trước nguy cơ phá sản khi “tôm càng xanh toàn đực” trở thành “tôm càng xanh toàn cái”.

Từ kỳ vọng…

Ðề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh An Giang xác định là chiến lược trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong tái cơ cấu kinh tế địa phương, đưa An Giang trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Chính mục tiêu trên đã thôi thúc tỉnh có nhiều hướng đột phá mới trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mà dự án “Tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ I-xra-en” được xác định là dự án điểm.

 

Chất lượng tôm giống không bảo đảm khiến dự án nuôi tôm càng xanh có thể bị phá sản.

Dự án “Tôm càng xanh toàn đực” chính thức ký kết vào tháng 11-2012. Chương trình hợp tác sản xuất thử nghiệm cuối năm đó với 400 con “tôm cái giả” (là tôm cái giống nhưng mang kiểu gien đực) đã thành thục, khỏe mạnh từ nghiên cứu của Trường đại học Ben Gurion University of the Neveg (I-xra-en), theo phương pháp phi phẫu thuật (không sử dụng hóc môn, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng phương pháp gây biến đổi gien…) do Trung tâm Giống thủy sản An Giang với vai trò là người mua phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại – Sản xuất Bước Tiến Xanh tại TP Hồ Chí Minh (Green Advance Co., LTD) và tập đoàn Tiran, I-xra-en cung cấp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang cho biết, dự án tôm càng xanh toàn đực được sản xuất theo công nghệ không có vi phẫu, không cần cắt bỏ bộ phận sinh dục đực nên được sản xuất đại trà với số lượng lớn và được thực hiện quanh năm. Năng lực cung cấp dự kiến năm nay là 25 triệu con, đến năm 2015 năng lực sản xuất sẽ đạt 100 triệu con và từ năm 2015 trở đi sẽ đạt 300 triệu con, đáp ứng phần lớn nhu cầu về con giống cho bà con trong tỉnh và các địa phương lân cận. Là một trong những hộ tham gia nuôi thử nghiệm đầu tiên với 140 nghìn con tôm giống, ông Nguyễn Trung Tiếp (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) nói: “Cuối năm 2012, Trung tâm giống Thủy sản An Giang triển khai mô hình nuôi tôm toàn đực ở đây, nông dân rất phấn khởi khi tôm phát triển đồng đều, tỷ lệ toàn đực là 100% nên giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với tôm càng xanh truyền thống tỷ lệ đực/cái là 50/50. Mỗi ha bán được hơn 440 triệu đồng, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về khoảng 160 triệu đồng. Do vậy, bà con hy vọng rất nhiều vào dự án này”.

… đến thất vọng tràn trề

Kỳ vọng là thế, tuy nhiên chỉ sau giai đoạn nuôi thử nghiệm thành công, khi đưa dự án vào sản xuất đại trà thì ngay lập tức xảy ra hàng loạt vấn đề. Ðầu tiên là năng lực cung cấp con giống của Trung tâm Giống thủy sản An Giang không đáp ứng được yêu cầu. “Sau vụ tôm đầu thắng lợi, ai ai cũng hồ hởi đăng ký mua, thế nhưng chỉ duy nhất có hai hộ là được mua với giá 396 đồng/con tôm giống. Giá trên đắt hơn rất nhiều so với giá tôm càng xanh trên thị trường (khoảng 180 đồng/con). Tuy nhiên, vì độc quyền nên chúng tôi cũng bắt buộc phải mua. Nhưng tôm giống giao nhỏ giọt từng đợt, dẫn đến hiện tượng ao nuôi tôm đủ kích cỡ, tôm nuôi không đồng đều, tỷ lệ hao hụt cao, tôm con không cạnh tranh nổi thức ăn với tôm lớn…”, ông Nguyễn Văn Giàu, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Tiếp cho biết thêm, gia đình ông đặt cọc 10 triệu đồng mua thêm tôm giống cho con trai ông là anh Nguyễn Hữu Trinh nhưng đợi mãi cũng không có hàng. Phải mất năm bảy lần xuống trung tâm “năn nỉ” mới đòi được tiền đặt cọc. Trong khi đó, hàng chục hộ nuôi tôm càng xanh khác từng tham gia nuôi thử nghiệm tại huyện Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang) đều mỏi mòn đợi nguồn giống mà vẫn chưa thấy đâu.

Hai hộ “may mắn” mua được tôm càng xanh toàn đực là ông Nguyễn Trung Tiếp và Nguyễn Văn Giàu lại trở thành nạn nhân của dự án. “Tôm ban đầu lớn bình thường nhưng chỉ sau ba tháng, chúng tôi bắt tôm để kiểm tra thì “tá hỏa” khi “tôm toàn đực” thành tôm cái với tỷ lệ đến 30%. Không tin vào ao mình, tôi qua nhà anh Giàu kiểm tra cũng thế. Chúng tôi liền báo cho Trung tâm cử người lên kiểm tra thì được đại diện của Trung tâm là ông Quyền cho biết, tôm có tỷ lệ lẫn cái khoảng 30%, sau thì giảm còn 15% (?). Dù là bao nhiêu thì cũng không thể chấp nhận khi đã là “tôm toàn đực” theo công nghệ cao của nước ngoài!” – ông Giàu bức xúc.

Mang những bức xúc của bà con nông dân đến Trung tâm Giống thủy sản An Giang, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ một phần giống cho hai hộ trên dù bất cứ nguyên nhân gì. Vấn đề nguồn tôm giống không bảo đảm, bà Trinh cho biết thêm, do không có đủ nguồn tôm giống bảo đảm chất lượng để sản xuất mà phải nhập từ I-xra-en nên không chủ động. Dù giải thích như thế nào cũng chỉ nhằm biện minh cho việc đã rồi. Thế nhưng, sâu xa hơn của dự án nông nghiệp công nghệ cao tốn kém bạc tỷ của An Giang là đang đứng trước nguy cơ phá sản ngay từ ngày đầu triển khai sản xuất thương phẩm đại trà. Ðó là việc nguồn tôm giống giả cái hoàn toàn không chủ động mà phải mua từ đối tác. Ðối tác ngưng cung cấp thì mọi chuyện chấm dứt như hiện nay. Bên cạnh đó, dẫu dự án hợp tác nhưng không chuyển giao công nghệ, kỹ sư Việt Nam làm chung dự án chỉ đảm trách những việc bên ngoài, còn công nghệ thật sự thì vẫn là “bí mật”. Ngoài ra, giá tôm giống tăng nhanh đến chóng mặt, từ 360 đồng/con lên 500 đồng/con. Không chỉ vậy, đầu ra cho con tôm càng xanh toàn đực, đến nay, người nuôi cũng chưa biết là… như thế nào!

Bài và ảnh: Bảo Trị

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!