Kiên Giang phát triển nuôi tôm ở vùng Tứ giác Long Xuyên

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Kiên Giang quy hoạch đầu tư phát triển nuôi tôm trên vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên, tổng diện tích 21.850ha.

Trong đó, nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 14.460ha, quảng canh cải tiến và tôm – lúa 7.390 ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng tôm khoảng 84.500 tấn.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh có kế hoạch phát triển vùng tôm nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ trên cơ sở thu hút nhà đầu tư tham gia, áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho khoảng 27.000 lao động địa phương.

Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện đồng bộ, sản xuất con giống chất lượng tốt phục vụ nuôi tôm đạt hiệu quả; mời gọi doanh nghiệp; khôi phục, quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm, nhằm tạo môi trường sinh thái bền vững, ổn định cho nuôi tôm.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên đã thả nuôi tôm công nghiệp hơn 500ha trên tổng diện tích 1.690 ha mặt nước, đạt gần 30% kế hoạch; sản lượng thu hoạch 1.550 tấn, đạt hơn 8% kế hoạch năm 2014.

Tuy nhiên, nuôi tôm công nghiệp ở đây đang gặp nhiều khó khăn, bất cập do hệ thống dẫn nước mặn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo cung cấp nước ổn định cho nuôi tôm; môi trường nguồn nước chưa quản lý, kiểm soát tốt; hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh; nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thả tôm nuôi của các doanh nghiệp chậm, dịch bệnh phát sinh gây hại.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư hệ thống dẫn nước mặn vào khu vực Đồng Hòa, nạo vét các kênh thủy lợi trọng yếu bị cạn để vừa đảm bảo cung cấp nước cho nuôi tôm, vừa vận chuyển vật tư, hàng hóa; mở rộng và nâng cấp cống Cây Me và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công trình thủy lợi đã phê duyệt.

Tỉnh rà soát hệ thống lưới điện, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo đủ tải phục vụ nuôi tôm công nghiệp; xây dựng, bố trí lịch thời vụ kết hợp hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước, khoa học kỹ thuật, chọn con giống sạch bệnh, kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh phát sinh lây lan gây hại tôm nuôi.

Lê Huy Hải

Vietnam+

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!