Thực hiện Dự án Phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao nước lợ tại huyện Tĩnh Gia (ảnh), kết quả thành công hơn dự kiến.
Thành công cao
Mô hình được thực hiện tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia trên diện tích 4.000 m2. Vào đầu tháng 3, anh Tùng tiến hành tháo cạn nước ao, nạo vét bớt lớp bùn đen ở đáy ao, tu sửa, đầm nén bờ cống, chống rò rỉ nước trong quá trình nuôi. Rải vôi bột nông nghiệp 10 – 20 kg/100 m2; sau đó phơi ao 3 – 5 ngày. Cấp nước vào ao nuôi qua hệ thống lưới lọc để hạn chế cá tạp, mức nước trong thời gian đầu 1,2 – 1,5 m. Sau khi lấy nước, kiểm tra yếu tố môi trường trước khi thả cá vào ao nuôi như: pH 7,5 – 8,5; độ mặn 20 – 28‰.
Nguồn giống cá mua từ trại sản xuất giống nhân tạo tại tỉnh Thừa Thiên – Huế (giống cá chim vây ngắn). Cá giống được nhốt trong các sọt lớn có sục khí và vận chuyển bằng ô tô; Khi về đến nơi, cá được thả trong bể xi măng có sục khí và gióng nước cho khỏe lại rồi mới chuyển ra ao nuôi. Mật độ thả 1,5 con/m2, cỡ cá 8 – 10 cm/con. Cá giống đồng đều, khỏe mạnh, không dị hình, phản xạ nhanh, không mắc bệnh và được kiểm tra bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh – Viral Nevours Necrosis) trước khi thả.
Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (phân rã sau 2 – 3 giờ), hàm lượng đạm 45% và chất béo 15%.
Cho thức ăn vào khung nhựa hoặc bằng tre để cá ăn, tránh thức ăn dạt vào bờ do sóng gây thất thoát. Nên tạo phản xạ cho cá ăn tập trung. Hàng ngày, cho ăn 2 lần vào buổi sáng (8 giờ) và chiều mát (17 – 18 giờ). Không cho cá ăn vào những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 170C) hoặc trời nóng (trên 360C). Khi cho cá ăn cần theo dõi hoạt động bắt mồi và sức ăn của cá để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp, tránh thừa hoặc thiếu.
Cỡ thức ăn và lượng thức ăn cho cá chim vây vàng nuôi trong ao
Định kỳ thay nước hàng tháng, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước ao nuôi. Lưu ý, trong khi thay nước cần kiểm tra nguồn nước để đảm bảo nước sạch và độ mặn, ổn định (20 – 28‰), tránh làm cá sốc.
Kinh nghiệm từ vụ nuôi
Anh Tùng nhận thấy cá chim có sức phát triển nhanh, ăn nhiều và dễ chăm sóc hơn nuôi các loài thủy sản khác. Trong quá trình nuôi đã xảy ra hiện tượng cá bị chết rải rác (tháng 8). Nguyên nhân do mưa nhiều, độ mặn giảm và không thay được nước vì nước bên ngoài bị đục và ngọt, tuy nhiên sau khi thay nước, cá đã sinh trưởng và phát triển bình thường.
Sau 9 tháng nuôi, gia đình anh Tùng thu được 2.800 kg cá thịt, cỡ trung bình 600 g/con, tỷ lệ sống 80%, năng suất đạt 8 tấn/ha, giá bán trung bình 145.000 đồng/kg, tổng doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi 120 – 150 triệu đồng.
Ảnh: Nam Anh
Theo anh Tùng, yếu tố đầu tiên đem đến thành công của mô hình là con giống thả phải cỡ lớn (8 – 10 cm/con). Mật độ thả nuôi nên đạt 1 – 2 con/m2. Công tác chuẩn bị ao nuôi, ao phải sâu 1 – 1,5 m nhằm tránh sự biến đổi độ mặn trong mùa mưa và suốt thời gian nuôi; vệ sinh ao phải làm cẩn thận, tiêu diệt hết các loại địch hại cá và các loài khác cạnh tranh thức ăn khi cá còn nhỏ. Thức ăn phải có hàm lượng đạm từ 40% trở lên mới đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển tốt. Nên thả cá vào đầu vụ nuôi và thu hoạch trước, trong tết âm lịch, điều này còn tránh được mùa dịch bệnh phát sinh hay gặp ở cá chim khi nhiệt độ biến đổi thất thường. Trong quá trình quản lý và chăm sóc ao nuôi, yếu tố cần quan tâm nhất là thức ăn và nguồn nước thay, tránh tình trạng cá nuôi bị sốc từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cá.
>> Không những được tập huấn kỹ thuật, anh Tùng còn được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% tiền mua giống, 30% tiền mua thức ăn, thuốc bệnh cùng sự theo dõi sát của cán bộ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Thành công của mô hình này đang được người dân từ khắp nơi đến tham quan, học tập. |
Mih dag co nhu cau nuoi ca chim ban oi
Thật tuyệt với. Mô hình mang lại hiệu quả cao cho bà con nuôi trồng thuỷ sản nước mặn. Thay thế cho nuôi trồng con tôm kém hiệu quả.