Nhiều vấn đề trong nuôi tôm hùm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm hùm ở Việt Nam phân bố nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đối tượng nuôi này có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là loài nuôi nhiều rủi ro.

Lợi nhuận lớn

Ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ nổi tiếng khai thác hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa, nhiều người còn trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu. Anh Nguyễn Ngọc Hiệp, một trong những ngư dân trên đảo đang đầu tư mạnh vào nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu, cho biết: Sau chuyến thăm bạn bè ở làng chài Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), thấy mô hình nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu hiệu quả nên cuối năm 2013 anh quyết định đầu tư lồng nuôi tôm tại Lý Sơn. Vụ nuôi đầu, bán tôm hùm được hơn trăm triệu đồng; gia đình anh tiếp tục mở rộng, đến nay có 30 lồng, với sản lượng tôm nuôi hơn 1.300 con.

Tại thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) hiện có 18.500 lồng nuôi tôm hùm với gần triệu con, dẫn đầu cả nước về số lượng, sản lượng. Năm 2013, giá tôm hùm giảm còn 1,6 – 1,8 triệu đồng/kg nhưng vẫn mang lại nguồn thu hơn 500 tỷ đồng. Đời sống người dân đã thực sự thay đổi. Anh Nguyễn Thành Nhơn (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh) là tỷ phú trẻ nhất làng, năm nay 47 tuổi, đã có thâm niên nuôi tôm 16 năm. Lợi nhuận thu tăng 2 – 3 lần qua từng năm. Có vốn tích lũy, nhiều năm liền anh thả nuôi 200 – 300 lồng tôm, 18.000 – 20.000 con tôm hùm, tổng vốn đầu tư 6 – 8 tỷ đồng, sau 21 tháng nuôi cho thu hoạch; bán 8 – 10 tấn tôm thương phẩm, lãi 1,5 – 2 tỷ đồng/năm.

 

Hạn chế nhiều

Trong bối cảnh hiện nay, nghề nuôi tôm hùm lồng ven biển đang nhiều khó khăn, đáng ngại nhất là tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên gây tôm chết. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tôm hùm bông nuôi lồng ở các tỉnh duyên hải miền Trung thường gặp một số dấu hiệu bệnh lý như trắng râu, long đầu, đỏ thân, đen mang…; Đặc biệt nguy hiểm và “mãn tính” nhất là bệnh đỏ thân và đen mang. Tôm hùm bị đỏ thân thường chỉ sống được 3 – 7 ngày sau khi phát bệnh. Bệnh này xuất hiện ở mọi kích cỡ tôm.

Dịch bệnh xảy ra khiến ngư dân phải thu hoạch tôm bán giá rẻ – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

Một vấn đề nữa là hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi. Hơn nữa, vẫn chưa có thức ăn nhân tạo cho tôm hùm, mà chủ yếu là cá tạp, cua, sò nhỏ… gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt vào mùa đông thức ăn càng khan hiếm.

Ngoài ra, quá trình chăm sóc tôm đòi hỏi nhiều công sức. Khi có bão, người nuôi tôm phải đưa lồng vào bờ; thường xuyên kiểm tra lồng, tình trạng sức khỏe và lượng thức ăn… để xử lý kịp thời. Khi môi trường nước thay đổi, tôm dễ mắc bệnh, chậm lớn; có khi vùng ven biển bị ô nhiễm làm tôm chết đột ngột, người nuôi trắng tay.

Nhiều người nuôi tôm tại các tỉnh trọng điểm cho rằng, “Giậm gai thì phải lấy gai để lở”, chỉ có tiếp tục nuôi tôm hùm theo mô hình an toàn, hiệu quả thì mới mong cứu được nghề này, đồng thời giải thoát khoản nợ lớn và ổn định cuộc sống.

 

Giải pháp đồng bộ

Theo nhiều chuyên gia, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam cần được phát triển bền vững, do vậy, phải tiến hành điều tra, nghiên cứu và tổng hợp, cân đối giữa các chính sách quy hoạch, quản lý, chính sách kinh tế – xã hội, kỹ thuật nuôi, khoa học ứng dụng…

Về chính sách, cần coi nuôi tôm hùm là một nghề. Trên tinh thần đó, phải tổ chức lại sản xuất, có kiểm soát, tăng cường liên kết, tiến tới thành lập hiệp hội nuôi tôm hùm… Cùng đó, các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho chính quyền địa phương, phát triển nghề nuôi tôm hùm có quy hoạch chi tiết; không nuôi tự do, tự phát; rà soát lại các chính sách liên quan quản lý nhà nước trong việc nuôi tôm hùm, đặc biệt vấn đề giống; điều tra nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có thị trường trong nước và xuất khẩu ổn định; phát triển nghề nuôi tôm hùm gắn với tiềm năng du lịch các tỉnh miền Trung.

Về kỹ thuật, cần lưu ý sản xuất giống nhân tạo, giảm khai thác giống tự nhiên, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan khoa học, các viện trường; sản xuất thức ăn công nghiệp; làm tốt công tác quan trắc quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh…

Năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020. Trước mắt, Bộ sẽ thành lập tổ công tác, thực hiện điều tra dịch tễ, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh trên tôm tại các vùng nuôi trọng điểm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và chỉ đạo xử lý dịch bệnh; đồng thời, yêu cầu Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tiếp tục thử nghiệm phác đồ điều trị mới đối với bệnh tôm sữa, sớm ban hành quy trình phòng chống bệnh trên tôm hùm và kiểm tra, giám sát thực hiện… Đồng thời, khuyến cáo các địa phương phát triển mạnh nghề khai thác tôm hùm giống cần xây dựng mô hình đồng quản lý, dựa vào cộng đồng để kiểm soát việc khai thác đi theo hướng bền vững.

>> Cuối năm 2006 đầu năm 2007, tại các vùng trọng điểm đã xuất hiện bệnh sữa, gây chết nhiều tôm hùm nuôi, thiệt hại hơn 160 tỷ đồng. Năm 2012, bệnh tái phát tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; Cuối tháng 4/2014, có gần 6.000 con tôm hùm 20 – 60 ngày tuổi ở huyện Tuy An (Phú Yên) bị chết, tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Phương Chi

Một số thông tin về tôm hùm

Phân loại

Tôm hùm là tên gọi chung của nhóm giáp xác mười chân thuộc 4 họ: Palinuridae, Scyllaridae, Nephropidae Synaxidae, giữa chúng có những điểm đặc trưng về tập tính và môi trường sống. Với sự phong phú về thành phần giống loài, chúng tạo nên mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn và có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái của biển và đại dương.

Ở Việt Nam, đến nay đã xác định được 9 loài thuộc họ tôm hùm gai (Palinuridae), 9 loài thuộc họ tôm mũ ni (Scyllaridae) và 4 loài thuộc họ Nephropidae. Trong đó, một số loài thuộc họ tôm hùm gai được nuôi phổ biến như tôm hùm bông (hùm sao, hùm hèo), hùm đá (xanh chân ngắn), hùm đỏ (hùm lửa), hùm sỏi (xanh chân dài, hùm ghì) và tôm hùm tre.

 

Thức ăn

Tôm hùm được coi là những động vật ăn mồi sống chủ yếu trong hệ sinh vật đáy ở biển. Chúng bắt mồi vào ban đêm trên những vùng rạn có nguồn thức ăn phong phú; gồm các loài liên quan với rạn san hô và có ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc chung của hệ sinh thái hoặc một vùng sinh thái, kể cả thành phần loài và độ phong phú của các sinh vật là mồi của chúng.

 

Giá trị dinh dưỡng

Tôm hùm được mệnh danh là vua của các loài hải sản bởi giá trị dinh dưỡng rất cao, thịt chắc, ngọt, ăn vào còn nghe tiếng giòn lựt sựt của những sợi gân xen lẫn trong từng thớ thịt. Thịt tôm có chứa rất ít chất béo và Carbohydrate trong khi hàm lượng protein lại cao, chứa nhiều axit béo Omega – 3 giúp kìm hãm và giảm nguy cơ mắt các bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), hầu hết lượng calo trong thịt tôm hùm bắt nguồn từ protein, do đó nó có thể đáp ứng tốt cho một chế độ ăn uống linh hoạt (tức là phù hợp với tất cả mọi người). Đối với những người không muốn tăng cân, để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể thì thịt tôm hùm là một lựa chọn lý tưởng và sáng suốt.

 

Quy trình nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) khép kín ở Khánh Hòa

Quy trình này được thực hiện nhằm đối phó với tình trạng dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ở Việt Nam và ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và kháng bệnh. Nhóm nghiên cứu gồm Trường Đại học Wageningen (Hà Lan), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Thí nghiệm được tiến hành trong các lồng nuôi cá thể bố mẹ Panulirus ornatus ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với 3 nghiệm thức, được lặp lại hai lần nhằm đánh giá hiệu quả của chế phẩm sinh học Sanolife probiotics trong khẩu phần ăn của chúng. Nghiệm thức đầu là nghiệm thức đối chứng, không sử dụng Sanolife probiotics trong khi hai nghiệm thức còn lại sử dụng Sanolife probiotics với liều lượng khác nhau. Việc đánh giá mức tăng trưởng của tôm hùm được tiến hành mỗi tháng thông qua việc cân và đo mẫu. Đồng thời, mẫu máu của tôm thí nghiệm cũng được đưa về Viện Kỹ thuật Sinh học tại Hà Nội để kiểm tra các bệnh thường gặp trên tôm hùm như bệnh do Vibrio, bệnh Taura, bệnh đốm trắng và bệnh Rickettsia (RLB). Theo kết quả bước đầu, trong điều kiện phòng thí nghiệm, sản phẩm vi sinh Sanolife có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các chủng gây bệnh phân lập được trên tôm thí nghiệm, tuy nhiên chưa thấy ưu điểm của chế phẩm trong việc tăng cường tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng sinh sản của tôm hùm.

Vân Anh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!