Con tôm “ôm” đất rừng

Chưa có đánh giá về bài viết

Để có đất nuôi tôm, nhiều hộ dân ở huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên (Kiên Giang) không ngần ngại “bức tử” rừng cây đước, cây mắm hàng chục năm tuổi.

Chính điều này đã khiến “lá chắn xanh” trước biển ngày một mỏng dần.

Con tôm ôm đất rừng 

Những cây đước lưa thưa còn lại được gọi là “đai rừng bảo vệ phía ngoài” khó có thể trụ nổi khi mùa mưa bão đến

Đất rừng ven biển vẫn có “sổ đỏ”

Chạy xe máy dọc theo tuyến quốc lộ 80 từ Ba Hòn (Kiên Lương) đến Mũi Nai (TX Hà Tiên) tôi không khỏi giật mình xót xa khi chứng kiến vạt rừng cây đước, cây mắm ven biển bị người dân chặt phá loang lổ để làm ao nuôi tôm.

Những tưởng người dân nơi đây lộng hành, dám phá rừng phòng hộ giữa thanh thiên bạch nhật để nuôi tôm. Thế nhưng, khi gặp chính quyền địa phương tôi mới biết họ nuôi trên đất của họ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hẳn hoi.

Trưởng phòng Kinh tế TX Hà Tiên, ông Dương Quảng Bình cho biết: “Chẳng biết ngày trước quy hoạch thế nào mà có nhiều đoạn ven biển trên địa bàn thị xã không được đưa vào thành rừng phòng hộ. Thậm chí nhiều hộ dân ở đây còn được cấp sổ đỏ. Để không bị mất hẳn rừng, chúng tôi buộc những hộ dân này phải cam kết giữ lại đai rừng ngoài cùng từ 30 – 50 m, hành lang lộ giới phía trong là 25 m, còn lại đoạn giữa mới được đào ao nuôi tôm”.

Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Bình cho cán bộ của phòng dẫn tôi đi gặp những hộ nuôi tôm tại đây. Ông Vương Thành Dũng ở ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TX Hà Tiên là hộ đã đào ao thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) theo hình thức công nghiệp với diện tích 1,6 ha được 2 năm nay.

16-55-31_1-rung-cy-duoc-hng-chuc-nm-tuoi-bi-cht-ph-do-o-nuoi-tom

Rừng cây đước hàng chục năm tuổi bị chặt phá để đào ao nuôi tôm

Ông Dũng cho biết: “Trước đây tui và nhiều hộ dân lân cận nuôi tôm sú quảng canh dưới tán rừng hoặc nuôi cá bống mú nhưng thấy nuôi TCT lời nhiều hơn nên đã đầu tư phá rừng, múc ao để thả nuôi. Năm ngoái tui thu hoạch trúng lớn nhưng năm nay chẳng ăn thua vì tôm thất bát, lại thu hoạch đúng vào thời điểm rớt giá”.

Theo ông Dũng, để đào ao nuôi tôm TCT ở đây không khó, chỉ cần mang sổ đỏ và làm đơn gửi cho chính quyền xã. Sau đó cán bộ địa chính xuống đo đạc diện tích, yêu cầu giữ lại đai rừng phía ngoài theo quy định, còn lại dân được sử dụng. Từ đây, những cây đước, cây mắm hàng chục năm tuổi, mọc san sát nhau như rừng đều bị người dân triệt hạ sạch. Rừng biến thành ao nuôi tôm.

Đứng từ phía trong ao tôm nhìn ra thấy rõ sóng biển đang vỗ ào ào vào gốc những cây đước còn sót lại lưa thưa phía bên ngoài, không ai có thể tin nổi chúng sẽ trụ nổi khi mùa mưa bão đến. Thế nhưng ông Dũng cho biết đó là “đai rừng buộc phải giữ lại theo quy định” và quả quyết “nhìn vậy chứ vẫn còn dày lắm, đủ 50 m”.

Không chỉ nuôi trên diện tích đất của mình, nhiều người còn thuê lại đất của các hộ khác để phá rừng, đào ao nuôi tôm. Thậm chí ngay sau lưng tấm biển tuyên truyền bảo vệ rừng phòng hộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cũng được người dân đào ao thả nuôi tôm với diện tích khá lớn, từ xa có thể nhìn thấy quạt nước chạy trắng xóa.

Khó phục hồi lại rừng

Chính việc quy hoạch không đồng bộ nên đã gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang, diện tích người dân lấn chiếm rừng phòng hộ đào ao nuôi tôm TCT và nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở các huyện vùng tứ giác Long Xuyên được phát hiện đã lên đến hàng trăm ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Kiên Lương, Giang Thành và TX Hà Tiên.

16-55-31_3-ngy-su-tm-bien-tuyen-truyen-bo-ve-rung-cu-chi-cuc-kiem-lm-kien-ging-l-o-tom-co-dien-tich-rt-lon

Ngay sau tấm biển tuyên truyền bảo vệ rừng của chi cục Kiểm lâm Kiên Giang là ao nuôi tôm với diện tích khá lớn

Trong đó, riêng Hà Tiên đã phát hiện sai phạm 142,1 ha, gồm các hộ dân là 113,3 ha và Cty Vương Quốc Việt 28,8 ha.

Trước tình hình trên, TX Hà Tiên đã lập Tổ kiểm tra khảo sát tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn, qua đó phát hiện 23 hộ dân vi phạm. Hình thức vi phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, chưa được cấp phép hoặc thay đổi hiện trạng…

Ông Dương Quảng Bình cho biết, đã ra quyết định phạt tiền, buộc trồng lại rừng phần đất đào ao là rừng phòng hộ; khôi phục hiện trạng hành lang an toàn giao thông, yêu cầu làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất… đối với những hộ vi phạm.

Tương tự, UBND huyện Kiên Lương cũng đã thành lập tổ truy quyét chống chặt phá rừng, đào bới, san ủi rừng phòng hộ ven biển trái phát luật để nuôi trồng thủy sản. Qua đó, đã phát hiện tại tuyến rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Dương Hòa có 5 hộ vi phạm, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 5 ha. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hộ nào khắc phục hậu quả san lấp lại hiện trạng ban đầu và trồng rừng lại.

Ông Trương Thanh Hào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang thừa nhận: “Tình trạng người dân lén lút phá rừng phòng hộ nuôi tôm là có, nhưng không nhiều. Và các vụ vi phạm được phát hiện đều bị xử lý nghiêm”.

Chi cục cũng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên thành lập tổ liên ngành tăng cường kiểm tra tuyến rừng phòng hộ ven biển nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Theo ông Hào, chính việc quy hoạch “da beo”, đất cấp cho dân nằm xen với đất rừng đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Đối với những hộ đã có sổ đỏ thì được sử dụng theo Luật Đất đai nên họ có quyền đào ao nuôi tôm. Còn diện tích đất rừng nhưng chưa giao cho BQL Rừng phòng hộ – đặc dụng thì UBND cấp xã nơi đó phải chịu trách nhiệm quản lý. Nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo Luật Đất đai.

>> “Việc buộc người dân khôi phục lại hiện trạng như ban đầu là rất khó khăn. Vì để trồng lại rừng ven biển, ngoài tốn kém tiền của còn phải có thời gian, có khi mất cả chục năm cây mới phát triển thành rừng được”, ông Hào nói.

Đ.T. Chánh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!