Hà Nội: Vì sao cá chết hàng loạt?

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu mùa hè đến nay, các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các huyện của Hà Nội đứng ngồi không yên vì tình trạng cá chết hàng loạt do thời tiết nắng và thay đổi bất thường.

Không những thế, do người dân còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình nuôi, sử dụng thức ăn không hợp lý dẫn tới ô nhiễm môi trường nước… Điều này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi, làm giảm năng suất và sản lượng NTTS.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay, ở một số vùng NTTS tại các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ… tình hình dịch bệnh chưa được xử lý triệt để, vẫn còn hiện tượng cá chết ở các ao. Chẳng hạn trong năm 2013 diện tích thủy sản bị bệnh là 68,5ha, sản lượng thiệt hại là 28,4 tấn. Từ đầu năm 2014 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại khoảng 8 – 10ha NTTS, làm chết hàng chục tấn cá khiến cho các hộ đứng ngồi không yên. Ngoài ra, hiện tượng thiếu ôxy trong nước dẫn đến quá trình phân hủy tạo thành các khí độc trong ao nuôi làm cho cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng khiến dịch bệnh trên thủy sản phát triển rất nhanh. Tại một số vùng NTTS, do các hộ dân sử dụng nhiều loại thức ăn không bảo đảm, cá trong ao không sử dụng hết nguồn thức ăn đã gây ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt, đối với các hộ nuôi kết hợp mô hình chăn nuôi VAC, đã tận dụng nguồn phụ phẩm làm thức ăn cho cá như: Phân vịt, bò, gà khiến cho nguồn nước càng ô nhiễm nghiêm trọng, bởi đây là những loại thức ăn tiêu chậm, không bảo đảm trong quá trình NTTS.

Một hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Khánh Nguyên 

Một hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Khánh Nguyên

Đặc biệt, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân cũng như quản lý, chăm sóc thủy sản còn nhiều hạn chế, thậm chí các hộ nuôi còn không có thói quen trong công tác phòng bệnh định kỳ hoặc có chăm sóc nhưng thực hiện không đúng theo quy trình kỹ thuật nên khi cá bị bệnh thì lúng túng trong việc chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Thanh, hộ nuôi cá ở huyện Thanh Oai cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến ao nuôi cá của gia đình xảy ra hiện tượng cá chết rất nhiều. Nếu như mọi năm, thu hoạch vụ này được khoảng 40 – 50 tấn, nhưng năm nay sản lượng bị giảm tới 50%. Ngoài ra, do ao nuôi cá vẫn nằm chung với khu dân cư, nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở xung quanh đều thải trực tiếp ra ao khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Mặc dù, sau mỗi vụ đánh bắt cá các gia đình đều tổng vệ sinh, rắc vôi bột và phơi khô ao nhưng đến vụ nuôi mới, nguồn nước vẫn bị ô nhiễm khiến năng suất cũng như sản lượng cá hiện nay giảm khoảng 10 – 20% so với các năm trước.

Để giúp người nuôi làm tốt công tác phòng dịch, các đơn vị của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương cần mở các lớp tập huấn về kỹ thuật NTTS cho người dân, giúp họ nhận biết được hiện tượng cá chết vì nguyên nhân nào để có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng mua thuốc sử dụng nhưng không đúng bệnh. Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho việc lấy nước ở các nơi khác khi nguồn nước trong ao bị ô nhiễm. Người dân cần hạn chế việc cho ăn tùy tiện, không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là những loại thức ăn có hại cho môi trường nước. Đồng thời, phải thường xuyên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, định kỳ hằng tháng phải kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, nếu phát hiện có vấn đề cần báo ngay cho cơ quan thủy sản gần nhất hoặc mời cán bộ thú y thủy sản ở vùng đó tới kiểm tra để nhanh chóng khắc phục giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Các hộ nuôi nên mua con giống thủy sản ở những cơ sở có uy tín được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, để con giống sạch bệnh, có sức đề kháng tốt…

>> Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh: Từng bước hạn chế dịch bệnh xảy ra

Các hộ phải thường xuyên kiểm tra cá, nhất là vào ban đêm, khi thời tiết thay đổi. Nếu phát hiện cá nổi đầu, cần sử dụng các trang thiết bị như: Quạt nước, sục khí, bơm nước để tăng cường ôxy hòa tan, đảo nước để hạn chế cá chết. Sử dụng các loại chế phẩm tăng cường ôxy cho cá như: Yuca SOS, Pond oxy… Vớt bỏ các loại thức ăn thừa, đặc biệt là cỏ, rơm; không dùng phân gia súc, gia cầm bón xuống ao. Các hộ cần theo dõi, ngừng ngay việc cho cá ăn khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu, nhưng định kỳ cần bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học như: EMC, Biofloc, Biowater để phân hủy mùn bã hữu cơ tăng cường ôxy, loại bỏ khí độc như: H2S, NH3, ổn định độ PH cho ao. Các hộ cũng cần thay nước ao để làm giảm sự ô nhiễm môi trường nguồn nước.

Ngọc Quỳnh

Hà Nội mới

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!