Gần đây, nghề giã cào hoạt động mạnh trên vùng biển 2 xã Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác biển của bà con ngư dân trong vùng.
Nghề giã cào là nghề khai thác các loại hải sản sống tầng đáy và các loại nhuyễn thể sống ở nền đáy. Nghề này, nếu khai thác hợp lý, chọn đúng ngư trường, đúng tuyến khai thác sẽ cho năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên thời gian qua, ngư dân các tỉnh lân cận cho tàu giã cào đánh bắt ở vùng biển huyện Quảng Điền cách bờ chỉ từ 14 đến 20 hải lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt gần bờ của ngư dân và tác động xấu đến môi trường sống của các loài hải sản.
Hai tàu Bình Định sử dụng giã cào để khai thác vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế
Hai xã Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) có chiều dài bờ biển 12km, do việc đầu tư đánh bắt xa bờ cần nguồn vốn lớn, trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên họ chủ yếu đánh bắt biển trong giới hạn khoảng 14 hải lý. Tại thôn Tân Thành, xã Quảng Công có trên 150 hộ sống bằng nghề đánh bắt biển. Những năm trước vào thời điểm này, các ngư dân bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt biển bằng mành ánh sáng nhưng năm nay nguồn lợi thuỷ sản có phần khan hiếm nên đến thời điểm này mành ánh sáng vẫn treo. Nguyên nhân được các hộ dân nơi đây đưa ra là các tàu giã cào hoạt động mạnh tận diệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Thuyên, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Tân Thành than thở: “Ghe chúng tôi vừa mới mua sắm thêm mấy tấm lưới, mỗi tấm có giá 1,2 triệu đồng, nhưng mới đánh bắt được một vài lần đã bị các tàu giã cào cuốn phăng đi, tấm thì mất hẳn, tấm còn cũng bị rách nát. Chúng tôi phải khổ sở lắm mới có thể tân trang lại để tiếp tục sử dụng”.
Không thể thống kê hết mỗi đêm trên vùng biển này có bao nhiêu tấm lưới của ngư dân bị những tàu giã cào cuốn mất, bởi ngày nào cũng có người than thở mất lưới, hư lưới. Nếu tình trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ bị tận diệt và ngư lưới cụ của ngư dân còn bị tàu giã cào phá hoại thì việc bỏ nghề chỉ là chuyện sớm muộn.
Theo nhiều ngư dân địa phương, tàu giã cào này chủ yếu của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định thời điểm hoạt động chính là chập choạng tối, khi tiến hành đánh bắt họ thường không mở đèn nên rất khó nhận biết. Bộ lưới của giã cào rộng, phía dưới đáy gắn những dây xích lớn đủ sức kéo giàn dưới quét sát xuống đáy biển, có thể lủi xuống tận lớp bùn, cào từ con ốc, con ghẹ đến những loài cá sinh sống ở tầng mặt, tầng giữa, kể cả các loại rong biển cũng bị tàn phá nặng nề. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển và các loại thủy sinh.
Đã có hàng loạt vụ khẩu chiến, xô xát xảy ra giữa ngư dân trong vùng với các tàu giã cào. Chị Hồ Thị Viên cho biết: “Để chồng đi đánh bắt biển thế này cũng sợ lắm, bởi gần đây các tàu giã cào hoạt động mạnh, các ông đi đánh bắt thấy tàu giã cào hoạt động là đuổi theo. Tàu họ to gấp mấy lần ghe mình, người lại đông nên nếu có xảy ra xung đột thì chỉ mình chịu thiệt thôi. Mới đây, tàu giã cào của Bình Định kéo phăng hết mấy tấm lưới của ghe chúng tôi, mấy ông tức quá lời qua tiếng lại với họ, cũng may không xảy ra xung đột lớn”.
Kiểm ngư và cán bộ Đồn biên phòng thu lưới giã cào sau khi các đối tượng bỏ chạy
Không chỉ ở thôn Tân Thành mà các thôn ven biển của huyện Quảng Điền và các huyện khác cùng chung tình cảnh bị tàu giã cào tàn phá. Trước tình hình trên, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh đã mở nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, xử lý những tàu giả cào đánh bắt gần bờ. Đồng thời, tiến hành cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho Chi hội nghề cá ven bờ xã Quảng Công nhằm tăng cường tính chủ động, huy động cộng đồng chung tay trong hoạt động đánh bắt cũng như xử lý hoạt động đánh bắt trái phép trên biển.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh, cho biết: Những tháng đầu năm 2014, Chi cục phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, ngư dân phát hiện và xử lý 8 tàu giã cào, trong đó có 6 tàu của Quảng Ngãi và 2 tàu của Bình Định. Tuy nhiên, hoạt động tuần tra, xử lý của đơn vị gặp không ít khó khăn. Chi cục rất cần hỗ trợ thêm về nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí cho lực lượng kiểm ngư. Đồng thời cũng cần sự chung tay của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý nghề cá nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt, tuần tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép trên biển.
>> Theo Nghị định số 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản, những tàu cá có công suất trên 20CV chỉ được đánh bắt tuyến lộng và tuyến khơi; tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng… |