Hỏi: Đối với ao nuôi tôm không có dấu hiệu gì thì có cần diệt khuẩn định kỳ không? (Vũ Duy Hùng, Bạc Liêu)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Thực tế, việc diệt khuẩn tùy tiện sẽ dẫn đến làm xảy ra sự cố trong ao nuôi. Cho nên, nếu có lí do nào đó (tôm có dấu hiệu đường ruột, đầu vàng, đứt râu, mòn phụ bộ đầu phân trắng…) thì dùng thuốc sát khuẩn nhưng cũng phải thận trọng; Lưu ý, khi dùng phải bảo đảm là sức khỏe tôm tốt (tôm không bị lột vỏ, không bị stress). Trước khi dùng thuốc diệt khuẩn, nên tăng cường sức khỏe tôm nuôi bằng sản phẩm nâng cao sức đề kháng cho tôm như Vitamin C liều lượng 7 – 10 mg/kg thức ăn, men vi sinh trộn vào thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Hỏi: Tại sao hiện nay lại không sử dụng kỹ thuật nuôi cá theo mô hình VAC nữa, nếu muốn áp dụng kỹ thuật này thì phải chú ý gì? (Khương Văn Cảnh, Yên Mô, Ninh Bình)
Trả lời:
VAC (vườn, ao, chuồng trại) đã được Hội Làm vườn Việt Nam tập hợp đúc kết và áp dụng từ năm 1986. Đây là mô hình thâm canh sinh học có sự phối hợp giữa trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm, giúp sử dụng hợp lý đất đai, nguồn nước và ánh sáng để đạt hiệu quả kinh tế cao và đầu tư thấp.
Gần đây hệ VAC không được khuyến khích phát triển là do sản phẩm thủy sản trong hệ VAC không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân, trong quá trình sản xuất các loại chất thải (phân gia súc gia cầm được thải xuống ao, trực tiếp làm thức ăn cho tôm cá) không qua xử lý. Một số loại bệnh từ gia súc gia cầm có thể lây nhiễm vào tôm cá nuôi (bệnh giun sán và bệnh do vi khuẩn) và lây lan trực tiếp sang người sử dụng. Ngoài ra, khi nước ao ô nhiễm, bệnh sẽ phát tán ra nguồn nước, phát triển thành đại dịch gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, người nuôi vẫn có thể áp dụng mô hình này hiệu quả nếu có các biện pháp thu gom chất thải của chuồng trại, dùng vôi ủ mục hoặc xử lý qua bể biogas. Trong quá trình nuôi, phải hạn chế nước mưa rửa trôi chất thải gia súc gia cầm xuống ao.