Nhiều hộ dân huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) áp dụng mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, bước đầu thu nhập khá.
Hiệu quả thấy rõ
Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ cho biết, nuôi lươn trong bể lót bạt không đòi hỏi diện tích lớn; kỹ thuật đơn giản; không tốn nhiều chi phí con giống, thức ăn, thời gian chăm sóc.
Thạnh Phú là một trong những xã có số hộ dân tham gia mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt cao ở huyện Cờ Đỏ. Theo nhiều nông dân xã Thạnh Phú, nuôi lươn trong bể làm bằng bạt có thể tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà để làm bể nuôi, vốn đầu tư mua vải cao su và vật liệu để làm một bồn 30 – 80 m2 từ 500.000 đến 600.000 đồng; mua con giống, thuốc thú y 1,4 – 1,5 triệu đồng… Sau 7 – 10 tháng nuôi, có thể thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/bể, thậm chí cao hơn (nếu tự đánh bắt được lươn giống về nuôi).
Ông Nguyễn Hồng Dũng (ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú) thực hiện bể nuôi 30 m2, thả 40 kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ 50 con/m2, tỷ lệ sống 75 – 80%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng 200 – 250 g/con, thu hoạch khoảng 240 kg lươn thịt, bán với giá bình quân 125.000 đồng/kg. Trừ chi phí con giống, dụng cụ làm bể bạt, ông Dũng thu lãi trên 14 triệu đồng/bể; từ đó mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã được 4 bể với diện tích gần 100 m2.
Kỹ thuật không khó
Theo ông Dũng, nên chọn bể nuôi ở vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, cấp thoát nước thuận tiện, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nylon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 30 – 80 m2, chiều cao bể 1 – 1,2 m. Cho nước qua lọc và đã diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng vào bể. Mực nước trong bể 20 – 30 cm. Mặt nước thấp hơn miệng bể 40 – 50 cm. Thả lục bình, trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.
Ông Dũng chọn giống lươn màu vàng sẫm để nuôi (loại này tốc độ sinh trưởng tốt nhất); kích thước lươn giống thả 30 – 60 con/kg là phù hợp; mật độ tốt nhất 50 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối 3 – 5% trong 10 – 15 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu. Thức ăn chủ yếu bắt từ tự nhiên: cua, ốc, cá tạp, tép…
Mỗi ngày, ông Dũng cho ăn 1 – 2 lần, lượng cho ăn bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong bể (nếu cho ăn nhiều, lươn dễ bội thực và chết, ăn thiếu thì lươn chậm lớn), thức ăn cho vào sàn đặt ở vị trí cố định, cho ăn đúng giờ. Sau mỗi lần cho ăn, cần vớt bỏ thức ăn thừa, tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi. Khi trời âm u, mưa, lạnh, cần giảm lượng thức ăn. Đồng thời, thức ăn phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi; ở giai đoạn đầu khi thả nuôi, phải cung cấp đủ thức ăn, không để lươn đói, vì chúng sẽ ăn nhau, giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 7 ngày trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng đề kháng cho lươn.
>> Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu đánh giá, mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt giúp người dân có thêm cơ sở lựa chọn đối tượng nuôi, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải chú ý yếu tố đầu ra, để nghề nuôi phát triển toàn diện và bền vững. |