Trước đây, nông dân các vùng cá đồng trong tỉnh Cà Mau không ai nuôi cá sặc nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển rất nhiều, đến mùa tát đìa cá gom về, có hộ thu hàng trăm ký cá sặc mỗi năm. Nhưng do nhỏ con, mất công làm, dù có sản lượng lớn giá vẫn rất rẻ nên ít ai chú ý khai thác.
Vì thế, cá sặc tự sinh tồn, phát triển tốt sau mỗi mùa khô và khi nước tràn đồng, làm “mồi ngon” dẫn dụ cá lóc, lươn rắn… về đất nhà để các loài có giá trị thu được sản lượng lớn hơn. Thời đó, cá sặc lớn nhỏ có rất nhiều và quanh năm từ trong ao vườn, ngoài ruộng và trong những bữa ăn dân nghèo. Còn hiện nay, trong mùa mưa cá sặc non bán đầy các chợ với giá trên dưới 100.000 đồng/kg. Nhưng muốn tìm cá lớn để nấu canh mẳn thì có ngày tìm đỏ mắt, đây là dấu hiệu loài cá này ngày càng khan hiếm và có giá, nếu ai chú ý bảo vệ, khoanh nuôi sẽ có được lợi ích lớn.
Thu hoạch cá đồng của bà con nông dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh – Ảnh: H. Vũ
Hãy tính toán lại lợi ích kinh tế trong cách khai thác của người tự cho là “do nghèo phải kiếm ăn bằng cá non” tại các chợ hiện nay: 1 kg cá non trung bình từ khoảng 300 – 400 con, nếu đem bán ngay chỉ được giá 100.000 – 120.000 đồng là hết, lợi ích không bao nhiêu. Nhưng nếu được nuôi tốt, chỉ sau 5 – 6 tháng, đàn cá lớn lên có thể đạt trọng lượng từ 5 – 10 kg hay nhiều hơn, sẽ bán được với giá khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg; hoặc làm khô, làm mắm sẽ có lợi nhuận cao hơn mà rất dễ tiêu thụ, vì đang hiếm đối với những người bị nó làm “khoái khẩu”. Ðây là bài toán kinh tế mà nông dân vùng lúa – cá, vùng tôm – lúa và những hộ có nhiều ao vườn nên suy nghĩ để khai thác lợi ích kép từ loài cá nhỏ bé mà rất quen thuộc này.
Cá sặc non chỉ sau hơn 5 tháng là trưởng thành, rất mắn đẻ, đẻ trứng trong tổ bọt và cá đực chăm sóc tổ trứng. Tuy nhỏ con, mình dẹp và chỉ dài 10 – 15 cm, trọng lượng tối đa khoảng 30 – 40 con/kg nhưng có khả năng lớn khá nhanh, đạt trọng lượng tối đa ngay trong năm đầu tiên nếu có điều kiện sống tốt. Cá sặc non lẫn cá trưởng thành sống được trong nhiều môi trường nước, kể cả vùng nước mặn lợ và ô nhiễm hữu cơ vừa phải; thường sống ở tầng giữa và tầng mặt nước. Cá sặc thích nhiều cây thủy sinh với một ít thực vật nổi và có giá thể trú ẩn; chịu được nhiệt độ nước ở 25 – 300C , độ pH 6 – 8… Ðây là những đặc điểm đáng lưu ý và rất có ý nghĩa nếu muốn phát triển giống cá nhỏ bé này để khai thác lợi ích kinh tế.
Trong điều kiện đồng đất Cà Mau, bà con nông dân có thể tận dụng mặt nước của bất kỳ đâu, miễn là không quá mặn, cũng không quá phèn và sâu cạn gì cũng đều nuôi được; có thực vật thủy sinh như: bồn bồn, bông súng, rau nhút, rau muống, rau ngổ hay rong tảo càng tốt. Cá sặc rất dễ nuôi, khỏe mạnh và do có cơ quan hô hấp phụ, thường lên thở khí trời trên mặt nước nên có khả năng sống trong môi trường ít ôxy, lại có tính ăn tạp bao gồm tảo, côn trùng, giáp xác… và cả thức ăn viên. Chỉ cần trước đầu mùa mưa chọn cá bố mẹ khỏe mạnh có mang trứng, thả vào nơi định nuôi với cơ cấu từng cặp hoặc 2-3 con cái (màu nhạt sáng, bụng to, ngắn) cộng 1 con đực (màu sậm, bụng thon nhỏ, dài), số lượng chừng 15 – 20 cặp/1.000 m2.
Nên tạo giá thể cho nó làm bọt tự đẻ và bảo vệ không cho các loài dữ như: cá lóc, rắn, ếch, nhái… tấn công, đặc biệt là chống ngăn kẻ trộm không cho đặt lờ, giăng lưới; không bao lâu sẽ có đàn cá sặt non đáng kể tha hồ nuôi lớn. Hoặc đầu mùa mưa có thể khai thác cá sặt non tự nhiên bằng lờ hay lưới mành, hay mua gom từ các mối lái về thả nuôi. Đến mùa khô, lúc cá về đìa, khi cần khai thác thì lựa bắt cá lớn đạt kích cỡ, chừa lại cá nhỏ, đặc biệt không nên khai thác cá non và cần chừa, bảo vệ đàn cá giống cho mùa sau khi tát đìa, sên mương.
Bà con nông dân nên nhận thức giá trị nhiều mặt của con cá sặc tuy nhỏ bé nhưng đắc dụng và hãy tuyên truyền nhau bảo vệ cá non, khai thác hợp lý. Tùy điều kiện có thể tổ chức nuôi ghép cá sặc trong ruộng bồn bồn, đầm bông súng, trong ao nuôi tôm quảng canh vào mùa mưa, hay trong ruộng lúa hoặc trong các mương vườn để bắt tỉa làm thực phẩm hằng ngày và có thu nhập thêm vào cuối vụ.