Chúng tôi đến vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) khi tình hình dịch bệnh tôm ở vụ nuôi thứ 2 đang diễn biến phức tạp.
Nhiều ao nuôi phải “treo” sớm hoặc thu hoạch non bán giá thấp.
Ông Trần Văn Đức ở thôn Thọ Lâm cho biết: “Nếu như vụ đầu nuôi tôm ai cũng thắng lớn, người lãi thấp nhất vài chục triệu, còn lãi nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng nên bà con rất phấn khởi.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì đợt thả nuôi thứ 2, tôm bị “dính” bệnh chết hàng loạt, người nuôi thua lỗ nặng. Hầu hết ao nuôi ở khu vực này đều có tôm chết (25 – 30 ngày tuổi) với triệu chứng tôm bỏ ăn rồi chết.
Tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng
Gia đình ông Đức có diện tích 3.700 m2, vụ 1 thả nuôi 15 vạn giống với giá đầu tư 100 đồng/con. Sau 3 tháng thả nuôi ông thu hoạch được 2,5 tấn, bán với giá 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi 150 triệu đồng.
Bước sáng vụ 2, ông cũng thả giống với diện tích chừng ấy, nhưng nuôi chưa được 1 tháng thì tôm bắt đầu chết dần, đành thu hoạch non được hơn 1 tạ, bán với giá 25 ngàn đồng/kg, lỗ hơn 30 triệu đồng.
Thê thảm hơn là hộ ông Trần Văn Thôn, thôn Đa Ngư thả nuôi 2 vụ đều bị chết sạch. “2 đợt nuôi vừa qua gia đình tôi thả hơn 90 vạn giống trên diện tích 1 ha, nuôi từ 25 – 30 ngày là tôm chết, thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Do nuôi tôm thua lỗ nên gia đình tôi đang nợ hàng chục triệu đồng tiền mua thức ăn cho tôm mà không biết lấy đâu để trả”, ông Thôn than vãn.
Ông Đinh Văn Thu, cán bộ khuyến nông xã Hòa Hiệp Nam cho biết: “Toàn xã có khoảng 430 ha nuôi tôm, trong đó diện tích thả nuôi là 356 ha. Đến nay đã có 102 ha tôm bị chết, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tôm ở nhiều ao tiếp tục chết. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo tạm dừng thả nuôi để dịch bệnh lắng xuống nhưng người dân vẫn tiếp tục thả giống”.
Tại xã Hòa Tâm, dịch bệnh trên tôm cũng xảy ra nhiều vùng nuôi. Hộ ông Nguyễn Minh Tuấn ở thôn Phước Giang thả nuôi 50 vạn con giống trong 2 ao với diện tích khoảng 1 ha đều bị chết sạch. “Tôm nuôi được gần 25 ngày thì bị bệnh, biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, bơi lờ đờ rồi đâm vào bờ chết.
Tổng thiệt hại vụ này hơn 100 triệu đồng. Hiện tại tôi không dám thả nuôi nữa mà đầu tư nuôi 2.000 con cua xanh với hi vọng gỡ gạc”, ông Tuấn cho biết.
Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa cho biết, vùng hạ lưu nuôi tôm sông Bàn Thạch có khoảng 1.000 ha, đến nay người dân đã thả nuôi hơn 930 ha. Điều kiện thời tiết ở vụ 1 tương đối ổn định, người nuôi có lãi, nhưng đợt 2 đã có 201 ha bị thiệt hại, xảy ra ở lứa tôm từ 25 – 30 ngày tuổi.
Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài kết hợp gió nam khiến tôm bị yếu, không đủ sức đề kháng. Một số hộ chưa chú trọng vệ sinh ao, thả nuôi chưa đồng bộ, chất lượng con giống không đảm bảo… Vừa qua huyện kết hợp với các ngành chức năng lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng.
“Dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp, không nên tiếp tục thả nuôi, có thể chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác. Riêng vùng nuôi từ Phước Giang ngược trở lên sông Bàn Thạch bị ngọt hóa, bà con nên áp dụng mô hình luân canh tôm – lúa”, ông Đồng chia sẻ.