Những năm gần đây, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo và triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các địa phương, hộ dân nâng cấp hạ tầng để phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Việc đầu tư xuất phát từ thực trạng người nuôi chưa quan tâm đến khâu cải tạo, nạo vét bùn đáy ao hoặc cải tạo chưa đạt yêu cầu nên dễ phát sinh khí độc NH3, H2S… ôxy hòa tan thấp, môi trường nuôi thường xuyên biến động đã gây sốc và làm phát sinh dịch bệnh. Quy mô ao trong vùng thủy sản nước lợ có diện tích nhỏ, đa số dưới 1.000 m2/ao, độ sâu đạt thấp; 95% các vùng nuôi nước lợ, ngọt tập trung không có ao chứa/lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi và xả ra ngoài môi trường. Hệ thống điện phục vụ NTTS theo hướng thâm canh và bán thâm canh còn thiếu như vùng chuyển đổi ở các xã Thái Ðô, Thái Thượng, Thái Hồng (Thái Thụy), Ðông Hải (Tiền Hải), An Thanh (Quỳnh Phụ) và Ðông Cường (Ðông Hưng) nên chưa phát huy hết hiệu quả sản xuất.
Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 45 vùng NTTS ở 8 huyện, thành phố; trong đó 24 vùng được Nhà nước đầu tư hệ thống điện, đường giao thông, kênh thoát, kênh cấp, cống cấp, trạm bơm cấp nước; 3 vùng nuôi chưa được cấp vốn đầu tư gồm Vũ Ðoài (Vũ Thư), Minh Tân (Hưng Hà), Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ); 2 vùng nuôi đang được triển khai thực hiện, chưa hoàn thành gồm Ðông Phương (Ðông Hưng) và Thái Nguyên (Thái Thụy). Các vùng còn lại do các huyện, xã thực hiện chủ trương chuyển đổi theo quy định và hỗ trợ đầu tư một phần để khuyến khích người NTTS đầu tư thêm.
Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 45 vùng NTTS ở 8 huyện, thành phố – Ảnh: Trần Huy
Hướng tới đầu tư lâu dài, Sở NN&PTNT đã xây dựng Ðề án “Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015 – 2020”. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung. Ðầu tư và hoàn thiện các công trình đầu mối, hệ thống thủy lợi, điện, giao thông phục vụ cho các vùng nuôi chuyển đổi tập trung, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đủ điều kiện để áp dụng những công nghệ NTTS thâm canh và bán thâm canh vào sản xuất. Ưu tiên đầu tư thực hiện 4 dự án tại các xã Vũ Ðoài (Vũ Thư), Minh Tân (Hưng Hà), Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), Ðông Phương (Ðông Hưng); tăng cường xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo chương trình VietGAP. Ðến năm 2020 sẽ nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của 45 vùng NTTS hiện có.