T2, 06/07/2020 11:05

Ra khơi cùng ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày giữa năm, ngư dân các xã ven biển huyện Gò Công Đông được mùa nên họ liên tiếp ra khơi. Những chuyến ghe đầy ắp các loại tôm, mực, cá… mang niềm vui mới, cho thấy một năm làm ăn được mùa.

Ra khơi định vị

Ngư dân Gò Công đánh bắt trên biển có nhiều nghề như câu mực, cào xiêm, nghề kéo lưới đơn, kéo lưới đôi, đóng đáy… Sau nhiều tháng đi đánh ốc bị thất bát, lỗ cả tiền lưới lẫn tiền dầu, nay tới con nước giữa năm, trời yên, anh bảy Út chuyển sang nghề cào cá truyền thống của ngư dân Gò Công.

Lưới cào cá là lưới bằng sợi cước xanh, mỗi tấm lưới dài đến cả trăm mét, dậu (chiều cao) trên 30 m, lỗ lưới đều khoảng 5 cm. Lưới cào được ngư dân dùng để đánh bắt các loại cá từ 1 kg trở lên. Mỗi ghe phải “thủ” cho mình đến vài lưới cào như vậy phòng khi lưới bị rách khi đang cào.

Khoảng 12 giờ trưa, tôi lên tàu cá TG 30480 TS của ngư dân bảy Út, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông để ra khơi. Chuyến đi này gồm có 6 người. Anh bảy Út cầm lái, 4 thuyền viên còn lại với công việc là bủa lưới, kéo lưới, ướp cá… trong suốt chuyến đi.

Hơn 4 giờ vượt biển, chiếc ghe 40 CV đưa chúng tôi ra khơi, những mảng xanh của rừng ngập mặn phía đất liền cứ mờ xa dần rồi khuất hẳn, bốn bề chỉ còn sóng nước mênh mông. Lần đầu tiên ra khơi, ngồi trên ghe nhìn từng con sóng to bập bềnh bủa vây mạn thuyền, tim tôi như thoát ra ngoài.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm đi biển, anh bảy Út cầm bộ đàm “rẹc rẹc” trao đổi với các đồng nghiệp. Khi đã định vị được các chiếc ghe bạn trên biển, thuyền trưởng bảy Út cho ghe mình neo ở vị trí kim la bàn chỉ 15,5 độ.

Hơn 16 giờ, công việc đầu tiên của 4 thuyền viên là xếp lại dàn lưới cào để đêm xuống buông lưới cho dễ dàng, tiếp theo là nấu cơm, ăn chiều. 6 người quây quần dùng bữa cơm tạm với thức ăn mang theo từ trưa.

18 giờ, màn đêm buông xuống mặt biển, bảy Út ra lệnh cho anh Nhân nổ máy ghe. Mấy chục bóng đèn trên ghe được thắp rọi sáng cả một vùng biển. Tôi nhìn ra xa, xung quanh mình không phải là biển nữa mà hình như đang ở trên đất liền bởi đâu đâu cũng có điện sáng.

Ngư dân lựa các loại cá. 

Ngư dân lựa các loại cá.

Trăng đầu tháng nên chưa thể thả lưới từ đầu hôm. Trên ghe, mọi người đã chuẩn bị trước 2 cây vợt cán dài để vợt những sản vật từ biển. Một vùng điện sáng, từng đàn mực ống từ dưới nước ngoi lên mặt biển, anh Út, anh Nhân thi nhau vớt.

Chỉ 20 phút, trên ghe đã có một xô mực tươi roi rói. Có mực thì phải ăn. Anh Nhân bỏ than, gác vỉ và nướng. Mực tươi để luôn túi, luôn đầu nướng lửa than, thơm phức, chấm muối ớt ăn liền vừa dai vừa thơm pha chất ngọt mặn. Phải nói món này không bao giờ có trên đất liền.

Gần 21 giờ, công việc bỏ lưới cào bắt đầu. Đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi người làm việc phải có nghề. Anh bảy Út cầm lái, 4 người còn lại đứng 2 hàng trên khoang thuyền đúng vị trí đã phân công đồng loạt quăng lưới xuống biển. 1 người thả phao, 1 người thả đáy, 2 người thả phần bụng lưới.

Bủa lưới phải nhanh tay, thứ tự vì ghe chạy rất nhanh. Người lái ghe canh theo hàng phao trắng nổi trên biển để khỏi vướng ghe vào lưới. Việc thả lưới mất trên 1 giờ. Chiều dài của mấy chục tấm lưới dài trên 2 hải lý (gần 4 km). Sau khi thả lưới xong, ghe tắt máy, mọi người tạm yên giấc trên chiếc ghe neo bềnh bồng giữa biển khơi với ngọn đèn nhấp nháy làm tín hiệu cho các tàu bạn.

Hò dô, kéo lưới

Giữa biển đêm khuya, phần vì gió lạnh, phần chiếc thuyền cứ lắc lư mạnh, tôi phải lấy chân tì vào thành tàu cho khỏi lăn qua lăn lại nên không sao ngủ được, trong khi mọi người vẫn ngủ ngon giấc. Hơn 2 giờ sáng, anh bảy Út thức dậy châm thuốc rít từng hơi, rồi gọi anh em dậy chuẩn bị kéo lưới.

Dù trời không mưa nhưng mỗi người phải mặc áo mưa cho khỏi ướt người khi kéo lưới. Anh bảy Út cho thuyền chạy chậm ngược lại theo dàn lưới đã thả. Như khi buông, kéo lưới cũng mỗi người một việc. Việc kéo lưới rất nặng nề nên 2 thanh niên lực lưỡng là Nhân và Phúc lãnh phần bụng lưới, 2 người lớn tuổi hơn được giao phần thâu phao và gỡ cá. Những thước lưới đầu đã có tín hiệu vui vì những tấm lưới này liên tiếp dính nhiều cá, tôm.

Mỗi lần thấy cá dính lưới vừa kéo lên khỏi mặt nước, anh Nhân phát ra một tín hiệu “dô” rất vui. Kéo lưới là việc nặng nhưng mọi người làm hăng hái vì đêm nay được cá nhiều. Có đoạn cá dính nhiều sáng cả lưới, người gỡ không kịp phải để cá chồng trong lưới. Tuy nhiên, do lưới dài nên có đoạn không có con nào.

Tôi ngồi bên thuyền trưởng nghe anh phân bua: “Cá đi có đàn, hễ đoạn nào có cá là có liên tục, còn không có là không luôn”. Tôi đang loay hoay bỗng nghe anh Nhân “dô” lên một tiếng biết đã có cá trở lại. Có những con cá còn sống, nằm trên khoan thuyền giãy đành đạch trông thật hấp dẫn.

Niềm vui được mùa

Hơn 3 giờ đồng hồ, những tấm lưới cào đã được các anh kéo lên chất trên khoang thuyền. Khoang thuyền bây giờ đã chất đầy lưới và cá. Cá nằm la liệt đủ loại nhưng bắt mắt nhất vẫn là những con cá thu nặng đến 1 – 2 kg. Theo anh bảy Út, với số lượng cá được như thế này, anh ước tính gần 200 kg.

Chuyến ra khơi được mùa, trên đường trở về mọi người đều hồ hỡi. Anh Luân, con thuyền trưởng bảy Út đã alô báo về nhà đêm nay được cá nên mọi người ở nhà cũng đã ra bến chờ ghe vào. Khi mặt trời lên được cây sào thì chiếc ghe cũng đã vào gần tới bờ.

Trên đường vào, có những chiếc ghe cỡ nhỏ ra tận ngoài biển bám theo những chiếc ghe mới vào để mua cá. Trên bờ, thương lái cũng đã ngồi chờ mua cá từ sáng sớm. Giá mỗi kg cá biển thời điểm này từ 60.000 – 200.000 đồng tùy loại, nhưng cao nhất vẫn là cá thu. Lấy cá tiền trao tại chỗ. Những con cá tươi vừa được đưa lên bờ trong chốc lát đã được thương lái đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Biển được mùa, ngoài chủ ghe, những người đi bạn cũng vui không kém. Một đêm như đêm này, mỗi người đi bạn cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Niềm vui lan ra cả xóm. Trên bờ, nhiều người vợ, người mẹ khác cũng đang nóng ruột chờ ghe mình vào.

Do được nhiều cá nên vừa bỏ cá, đong dầu xong, anh bảy Út và các thuyền viên không nghỉ ngơi mà tiếp tục ra khơi để giữ ngư trường đêm qua. Chiếc ghe lại ùng ục nổ máy ra khơi mang niềm tin thắng lợi.

Thảo Trúc

Báo Ấp Bắc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!