Đồng Tháp: Hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi tôm càng xanh mùa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm càng xanh mùa lũ hiện đang là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Qua nhiều mùa lũ, việc nuôi tôm càng xanh đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa vụ 3.

Tại huyện Tam Nông, ngay từ khi chưa có lũ, nông dân ở các xã Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Đức… đã cải tạo mặt ruộng bằng phẳng, xử lý vôi bột diệt cá tạp, côn trùng; tu sửa bờ đê, chuẩn bị cọc tràm, lưới bao quanh ruộng tôm khi lũ về.

Đến giữa tháng Tám, huyện đã thả nuôi được trên 603 ha tôm càng xanh, nhiều nhất là xã Phú Thành B đã thả nuôi hơn 380 ha.

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tôm, năm nào nước lũ đổ về nhiều, nguồn nước ngọt tự nhiên dồi dào, nông dân không cần phải xử lý nước, giúp tôm mau lớn. Nước lũ sẽ cung cấp thêm nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm, giảm tiêu tốn thức ăn công nghiệp.

Anh Nguyễn Thành Công ở ấp Phú Bình xã Phú Thành B, huyện Tam Nông cho biết mùa lũ này, anh Công thả nuôi 5,5 ha tôm càng xanh. Hiện tôm đã được hơn 60 ngày tuổi và đang có trứng, anh chuẩn bị thu tỉa tôm trứng và bắt đầu có doanh thu.

Với kinh nghiệm 7 năm nuôi tôm mùa lũ, anh Công cho rằng, nước nhiều sẽ giúp tôm tăng trưởng rất nhanh, chi phí thức ăn giảm đi nhiều do nguồn thức ăn cho tôm là sinh vật có sẵn trong nước khá phong phú, người nuôi không phải vất vả lo bơm nước vào vuông tôm như những năm nước lũ nhỏ.

Tuy nhiên, phải thường xuyên kiểm tra hệ thống đăng lưới bảo vệ mỗi ngày để đảm bảo tôm không thoát ra ngoài.

Ở huyện Cao Lãnh, nông dân cũng đang thả nuôi vụ tôm càng xanh mùa lũ trong vùng dự án xã Nhị Mỹ với tổng diện tích khoảng 130 ha.

Theo ông Nguyễn Minh Khoa, Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh, năm 2013, huyện thả nuôi 124ha tôm càng xanh, sản lượng đạt 234 tấn.

Riêng vùng dự án xã Nhị Mỹ có tổng diện tích 118 ha, sản xuất 2 năm 3 vụ, năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt có hộ lợi nhuận từ 120 – 140 triệu đồng/ha/vụ, gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Minh Khoa, để giải quyết đầu ra cho tôm càng xanh, các địa phương cần thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên minh sản xuất, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân hợp đồng với các công ty mua thức ăn, thuốc thủy sản, con giống tốt với giá hợp lý, đặc biệt ký kết với các công ty để bao tiêu tôm với giá ổn định hơn.

Năm nay, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu thả nuôi khoảng 1.200 ha tôm càng xanh, nhưng hiện nay, thời vụ thả nuôi tôm mùa lũ ở Đồng Tháp sắp kết thúc trong khi nguồn tôm giống tại các trại giống đang thiếu hụt trầm trọng.

Đây là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua cần được ngành chức năng giải quyết, tránh tình trạng nông dân phải mua tôm giống trôi nổi nuôi không đảm bảo chất lượng.

Nguyễn Văn Thi

Vietnam+

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!