Thời gian qua, Sở NN&PTNT Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị tích cực thực hiện các nội dung giải pháp quy hoạch, trong đó phát triển mạnh mô hình nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa.
Mô hình nuôi cá điêu hồng ở huyện Tam Nông – Ảnh: Quốc Minh
Theo đó, Sở NN&PTNT Phú Thọ yêu cầu các huyện, thành, thị chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn đảm bảo các quy định như: vị trí đặt lồng ở các đoạn sông có lưu tốc dòng chảy 0,2 – 0,3 m/s; mực nước sâu > 4 m; độ trong > 0,2 m; tránh xa nơi tàu thuyền thường xuyên qua lại, khu vực bến bãi, cống qua đê. Trong hồ chứa: địa điểm đặt lồng có mặt thoáng rộng, mực nước sâu > 4 m, không đặt lồng nuôi trong ao, ngách. Về điều kiện môi trường nước: độ pH = 7,5 – 8; ôxy hoà tan > 5 mg/l; NH3 < 0,01 mg/l; NO2 và H2S < 0,01 mg/l, độ trong > 20 cm. Mật độ lồng nuôi: ở trên sông, đảm bảo diện tích lồng nuôi < 0,2% diện tích mặt sông, mỗi cụm lồng tối đa không quá 30 lồng, khoảng cách giữa các cụm lồng tối thiểu 300 m, các cụm lồng phải đặt so le (ví dụ: 10 ha mặt nước sông, diện tích lồng nuôi tối đa là 200 m2); ở trong hồ, đảm bảo diện tích lồng < 0,05% diện tích mặt hồ (ví dụ: 10 ha mặt nước hồ, diện tích lồng nuôi tối đa là 50 m2).
Về phía người nuôi cũng mong muốn có các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng; quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là kỹ sư thú y chuyên về thủy sản; mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định, góp phần cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.