Vạn Ninh (Khánh Hòa): Nỗi lo từ các cơ sở chế biến hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong quá trình sản xuất, các cơ sở chế biến hải sản ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) xả trực tiếp nước thải ra môi trường. Hiện nay, các cơ sở này mở rộng quy mô, nâng công suất chế biến, khiến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Sống chung với ô nhiễm

Đi dọc tuyến đường dẫn vào xã Vạn Thắng, người đi đường không khỏi khó chịu bởi mùi hôi thối bốc ra từ các cơ sở chế biến chả cá và tôm khô nằm xen lẫn trong khu dân cư. Chị P. – một người dân sống tại thôn Quảng Hội 2 chia sẻ: “Từ khi các cơ sở chế biến hải sản đi vào hoạt động, cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn, thường xuyên hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc”.

1 

Các cơ sở chế biến chả cá có quy mô lớn nằm trong khu dân cư ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Người dân cho biết, trẻ em trong làng hay bị đau ốm, nhập viện, ảnh hưởng đến học tập. Nhiều hộ gia đình phải gửi con đi nơi khác để… lánh nạn ô nhiễm. Ông C. – nhà gần một cơ sở chế biến chả cá bức xúc: “Do sống trong ô nhiễm mà 2 đứa con tôi đều bị viêm xoang. Vợ chồng tôi phải đưa các cháu về ở bên ngoại, buổi tối mới đón về nhà. Nhiều năm nay gia đình tôi treo biển bán nhà nhưng không ai mua. Chúng tôi đã kiến nghị lên xã và các cơ quan chức năng nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện”.

Chính vì ô nhiễm mà hoạt động kinh doanh, buôn bán của một số nhà hàng, quán ăn ở đây cũng bị ảnh hưởng. Ông H. – chủ một quán ăn cho biết: “Tuy quán của tôi cách các cơ sở chế biến hải sản gần 200m nhưng mùi hôi thối vẫn bủa vây. Khách hàng đến đây ăn uống thường xuyên kêu ca phàn nàn, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình”.

Xả trực tiếp nước thải ra môi trường

Ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, trên địa bàn hiện có 6 cơ sở sản xuất chả cá và tôm khô với quy mô từ 30 đến 50 lao động. Hàng ngày, mỗi cơ sở chế biến hơn 1 tấn cá, 2 tạ tôm. Các cơ sở này ít nhiều đang ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư, nhất là tình trạng xả nước thải, mùi hôi trong quá trình sơ chế. Xã có theo dõi hoạt động của các cơ sở, nhưng chỉ kiểm tra, nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử phạt nào.

1  

Nước thải sau khi sơ chế cá được xả thẳng xuống sông Cầu Huyện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cơ sở sản xuất và chế biến thủy hải sản ở đây đều phát triển tự phát, không có quy hoạch, sản xuất kinh doanh theo hộ gia đình. Qua nhiều năm làm ăn, các hộ này đã đầu tư mở rộng quy mô và công suất chế biến, nhưng lại không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Thâm nhập các cơ sở chế biến hải sản này, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng chục lao động đang miệt mài rửa, xẻ cá.  Bên hông mỗi cơ sở có hàng chục thùng nhựa chất đầy xác thủy sản, ruồi nhặng bu đen, đầy mùi tanh. Nước thải cùng các phế phẩm của cá, tôm chảy ra sông tạo thành lớp bùn đen. Vào thời điểm nước cạn, mùi hôi từ dưới sông bốc lên nồng nặc.

1 

Cơ sở thu mua đầu cá và các phế phẩm từ cá nằm trong khu dân cư gây mùi hôi nồng nặc.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thuận, chủ cơ sở chế biến chả cá Thuận thừa nhận: “Trong quá trình sơ chế cá, chúng tôi xả trực tiếp nước thải xuống sông. Khi thấy xuất hiện lớp bùn đen, cứ dăm bữa nửa tháng tôi lại cho người cào ra xa cho nước cuốn đi. Chúng tôi cũng không biết làm cách nào khác. Trước đây khi cơ sở còn ở Quảng Hội 1, tôi đã cho đào hầm rút và khi đầy thì cho múc đi nhưng cá tanh cho vào hầm lâu ngày rất hôi, khi hút càng gây mùi khó chịu. Vì thế tôi chuyển cơ sở từ Quảng Hội 1 tới đây, địa thế gần sông, sát cửa biển nên làm xong là xả luôn ra sông cho tiện”. Khi được hỏi về việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bà Thuận nói không có tiền. “Không phải chúng tôi không đi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu quy trình xử lý nước thải, nhưng nếu lắp đặt hệ thống đúng quy chuẩn thì phải tốn hơn 1 tỷ đồng. Chúng tôi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để làm? Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải thải ra môi trường” – bà Thuận cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài bị kiểm tra, nhắc nhở, các cơ sở này chưa từng bị xử phạt. “Các cơ sở này đề xuất phương án thuê ghe chở nước thải ra biển đổ nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi chỉ thống nhất cho xe bồn vào hút và đổ ra khu vực xa khu dân cư. Cách xử lý này mang tính hình thức, tạm thời và cũng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực bị đổ nước thải” – ông Sáng cho biết.

Chờ dự án khu công nghiệp

Năm 2011, huyện Vạn Ninh có Đề án xây dựng Khu công nghiệp Vạn Ninh tại xã Vạn Thắng và 1 phần xã Vạn Khánh với quy mô 144ha, trong đó có hình thành cụm cơ sở chế biến hải sản. Đây là hướng đi mang tầm chiến lược giúp phát triển kinh tế địa phương, giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường của những cơ sở chế biến hải sản tại xã Vạn Thắng. Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư nên huyện đã trả lại đất cho người dân canh tác, khi nào có vốn từ trung ương đầu tư thì dự án mới được triển khai.

1 

Cảnh sơ chế cá.

Ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan liên quan đi khảo sát và đánh giá chính xác thực trạng gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân quanh khu vực chế biến hải sản. Đồng thời, phân tích cho chủ cơ sở hiểu rõ hơn về vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. Đây là ngành nghề mang lại thu nhập cho người dân địa phương khá tốt, vì vậy cần có hướng xử lý hợp tình hợp lý. Nếu các cơ sở vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động”.

Theo ông Khải, về lâu dài vẫn cần xây dựng khu công nghiệp để đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh này ra xa khu dân cư. Tại đây, các cơ sở sẽ được đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung, có như vậy mới giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng quan điểm với ông Khải, ông Sáng cũng cho rằng cần quy hoạch các cơ sở chế biến hải sản thành một làng nghề. Có như vậy, việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn và vấn đề xử lý nước thải mới được giải quyết triệt để.

Khi chúng tôi nhắc đến việc thành lập khu công nghiệp và đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh hải sản vào đó thì hầu hết các chủ cơ sở đều đồng tình. “Như vậy quá tốt! Vào khu công nghiệp, chúng tôi chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh và có nghĩa vụ đóng thuế, các khoản phí, còn về môi trường đã có hệ thống xử lý riêng đảm bảo” – bà Thuận nói.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Vạn Thắng. Tuy các cơ sở chế biến hải sản đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, nhưng với cách làm hiện nay, môi trường sống của người dân đang bị ảnh hưởng trầm trọng.

P. Vinh - Th.Trường

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!