Những ngày này, nước lũ ở vùng đầu nguồn ĐBSCL đang lên bình quân từ 10 – 15cm/ngày. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đến cuối tháng 8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,8m (dưới báo động 2: 0,2m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,3m (dưới báo động 2: 0,2m), cao hơn cùng kỳ từ 0,30 – 0,45m. Ứng phó với lũ để bảo vệ sản xuất và an toàn tính mạng người dân đang là nhiệm vụ hàng đầu tại các địa phương vùng lũ…
Sẵn sàng ứng phó
Chiều 21/8, chúng tôi về 2 tỉnh đầu nguồn (Đồng Tháp, An Giang) khi 2 địa phương này đang dồn sức đối phó với lũ. Giám đốc Sở NNPTNT An Giang Đỗ Vũ Hùng thông báo nhanh: “Mọi công tác phòng chống lũ đã sẵn sàng. Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định đỉnh lũ năm nay dao động ở mức báo động 3. Tuy nhiên, do đây là năm nhuần 2 tháng 9 âm lịch, nhiều khả năng lũ diễn biến phức tạp, vì thế mọi việc phải hết sức thận trọng”.
Theo ông Hùng, do áp lực nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, An Giang đã tiến hành xả lũ ở 2 đập tràn Tha La và Trà Sư vào ngày 12/8, sớm hơn mọi năm khoảng một tháng. Xả lũ sớm nhằm chủ động lấy phù sa bồi bổ cho vùng Tứ giác Long Xuyên và phát triển, nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản mùa lũ.
Nuôi thủy sản mùa lũ ở Đồng Tháp cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại Đồng Tháp, công tác phòng chống lũ cũng đang triển khai ráo riết. Trước tình hình nước lũ đang lên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan phải chủ động biện pháp ứng phó kịp thời; theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ” và yêu cầu “3 sẵn sàng”; nhanh chóng triển khai gia cố đê bao bảo vệ sản xuất; di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Theo Ban Chỉ huy PCLB &TKCN Tiền Giang: “Tỉnh vừa đi khảo sát khắp các huyện, thị để lên phương án ứng phó. Trước mắt, gia cố hàng chục điểm sạt lở bảo vệ 41.000ha vườn cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành”.
Ban chỉ huy PCLB &TKCN các địa phương vùng ĐBSCL còn chỉ đạo các địa phương thành lập hàng trăm điểm cứu hộ, cứu nạn mùa lũ ở những nơi xung yếu, nước chảy mạnh… nhằm kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức nhiều điểm giữ trẻ mùa lũ (qui mô từ 20 – 40 trẻ em/điểm). Tại những nơi bị ngập sâu tổ chức ghe đưa rước học sinh bậc mầm non, tiểu học… suốt mùa lũ để đảm bảo an toàn.
Chủ động sống chung với lũ
Tận dụng lợi thế của lũ để gia tăng sản xuất, ổn định đời sống người dân cũng được các địa phương quan tâm. Ông Đỗ Vũ Hùng cho rằng, lũ về mang theo cả 2 mặt “lợi và hại”.
Nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gia cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái.
Vấn đề là bình tĩnh đối phó và biết khai thác tối đa những lợi thế của lũ để “chung sống hòa bình” với lũ. Tại An Giang, hầu hết các công trình đê bao phục vụ sản xuất và dân sinh đều vượt cao trình chống lũ trên mức báo động cấp 3.
Đặc biệt, sau những năm lũ lớn liên tục (2000, 2001, 2002…), chính quyền và người dân An Giang rất chủ động việc phòng chống và thích ứng với lũ. An Giang cũng là địa phương tiên phong ở ĐBSCL xây dựng mô hình “làm ăn mùa lũ” rất hiệu quả.
Hàng loạt mô hình như nuôi tôm càng xanh trên ruộng, nuôi cá lóc, trồng rau màu, lúa vụ 3, làng nghề thủ công, trồng nấm rơm… được người dân sản xuất thành công trong mùa lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá cao chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ mà Chính phủ dành cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Kể từ năm 2001 (khi CTDC được triển khai), đến nay đã bố trí cho khoảng 200.000 hộ dân vùng lũ ĐBSCL có nơi ổn định thì tình trạng thiệt hại do lũ giảm hẳn.
Từ chỗ “chạy lũ”, nay chủ động “sống chung với lũ” và hình thành nên những thị tứ ngay trên vùng lũ rất khang trang là nhờ hiệu quả từ CTDC mang lại. Song, để người dân vùng lũ vừa có nơi an cư, vừa ổn định đời sống còn rất nhiều việc cần phải giải quyết; trong đó tạo việc làm cho người dân vùng lũ tăng thu nhập là bức bách cần phải đầu tư mạnh hơn.