Được hưởng lợi từ Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), những mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) đa dạng hóa tôm, cua, cá theo hướng VietGAP đã được triển khai thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra triển vọng mới cho phát triển nghề NTTS xen ghép ở tỉnh Hà Tĩnh.
Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là quy phạm thực hành hướng đến sản xuất bền vững, trong đó, đảm bảo ATVSTP, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đảm bảo các vấn đề xã hội. Theo kỹ sư thủy sản Nguyễn Hoài Thúy – cán bộ Chi cục NTTS, việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tham gia. Năm 2014, dự án nguồn lợi ven biển vì phát triển bền vững phối hợp với Chi cục NTTS triển khai xây dựng 3 mô hình nuôi đa dạng hóa tôm, cua, cá rô phi theo hướng VietGAP tại HTX Hạ Voọc (xã Hộ Độ – Lộc Hà).
Việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP sẽ giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những mô hình NTTS này có tổng diện tích 3 ha được dự án hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn, hóa chất và kỹ thuật. Ông Trương Văn Tùng – Chủ nhiệm HTX NTTS Hạ Voọc cho biết: Những năm trước, vùng nuôi tôm sú này bị bỏ hoang do dịch bệnh thường xuyên xẩy ra. Người nuôi tôm ở đây kiệt quệ vì nợ nần. Mấy năm lại đây, nuôi tôm sú dần được “hồi sinh” nhưng hiệu quả vẫn còn bấp bênh. Năm nay, được dự án CRSD hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình ông đầu tư nuôi đa dạng hóa tôm, cua, cá theo quy trình VietGAP trên diện tích 1 ha, gồm 2 ao nuôi. Quá trình nuôi, các đối tượng phát triển tốt và không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay đã cho thu hoạch với sản lượng tôm đạt hơn 1,2 tấn; 125 kg cá và 300 kg cua. Tính ra, trừ chi phí một vụ nuôi, còn lãi hơn 100 triệu đồng trong thời gian hơn 3 tháng.
“NTTS theo quy trình VietGAP có nhiều cái lợi, lợi về môi trường nước, các đối tượng nuôi phát triển tốt, sản phẩm sạch… Tuy nhiên, quy trình nuôi đòi hỏi khắt khe hơn, phải thường xuyên chăm sóc và theo dõi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao” – ông Tùng cho biết thêm.
Thông qua mô hình NTTS theo hướng VietGAP, các hộ dân được chọn thực hiện mô hình thí điểm đã được nâng cao trình độ sản xuất, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Không chỉ các mô hình được dự án đầu tư đạt hiệu quả cao mà hơn 40 hộ dân NTTS ở vùng nuôi này đã thu hoạch có lãi. Bởi, các hộ dân đều được cán bộ dự án tập huấn nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ thuật từ khâu cải tạo ao đầm, chọn lựa con giống cho đến quy trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho hay: Trở ngại lớn để nuôi trồng theo hướng VietGAP đó là cơ sở hạ tầng vùng NTTS còn yếu, nên việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Các ao nuôi chủ yếu của nông hộ nên chưa có hệ thống thủy lợi riêng biệt, không có hệ thống ao xử lý; hệ thống đường điện chưa đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, những mô hình nuôi đa dạng hóa tôm, cua, cá theo hướng VietGAP được hỗ trợ từ dự án CRSD bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hình thức nuôi đa dạng hóa tôm, cua, cá theo hướng VietGAP không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mở ra hướng phát triển NTTS phù hợp với các điều kiện của vùng nuôi tôm kém hiệu quả. Hình thức nuôi này chi phí đầu tư thấp, môi trường ao nuôi luôn ổn định, dễ quản lý, hạn chế dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đây được coi là một giải pháp phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của các hộ nuôi khi không có điều kiện đầu tư nuôi tôm thâm canh.