Phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đang là hướng đi mới của xã Tiền Phong (Đà Bắc) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân XĐ -GN bền vững. Trong tổng số 13 xóm, Tiền Phong có tới 7 xóm nằm ven hồ Hòa Bình. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã duy trì từ 300 – 350 lồng cá.
Xã Tiền Phong có tổng diện tích hơn 6.300 ha, chủ yếu là đất đồi rừng thuộc khu vực phòng hộ xung yếu. Là xã nằm trong vùng chuyển dân để thực hiện dự án xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình nên Tiền Phong có xuất phát điểm về kinh tế thấp, hạ tầng kinh tế gần như phải làm lại từ đầu. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, nhiều công trình phúc lợi, hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 xóm chưa có đường ô tô đến trung tâm xóm, các tuyến đường còn lại hầu hết là cấp phối hoặc đường đất.
Xã hiện có trên 550 hộ dân, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Diện tích lúa gieo cấy cả năm khoảng 41 ha. Để đảm bảo lương thực tại chỗ, xã đã khuyến khích người dân phát triển trồng ngô, sắn với hơn 332 ha ngô, 260 ha sắn. Do giao thông khó khăn, địa hình các xóm chia cắt nên sản phẩm ngô, sắn không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép giá, dẫn đến thu nhập không được cao. Theo thống kê của UBND xã, tính đến hết tháng 6, toàn xã có khoảng 46% hộ nghèo, 43% hộ cận nghèo.
Người dân xóm Điêng, xã Tiền Phong (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ thực trạng trên, XĐ – GN cho nhân dân là bài toán ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã Tiền Phong. Một trong những giải pháp được xã lựa chọn là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tận dụng lợi thế về diện tích mặt hồ, xã khuyến khích người dân mở rộng nghề nuôi trồng, đánh bắt, khai thác tôm, cá tự nhiên. Tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghề nuôi cá lồng.
Trước năm 2010, do chưa có kinh nghiệm nên việc phát triển nghề nuôi cá lồng của xã ít được người dân quan tâm vì mức đầu tư nhiều, trong khi đó, một số giống cá đưa vào nuôi thử nghiệm đều bị bệnh và không phù hợp nên sản lượng thấp, đầu ra không ổn định. Sau khi học tập kinh nghiệm ở các xã bạn, cộng với được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, các hộ dân đã chú ý đầu tư làm lồng đúng cách, lựa chọn loại cá trắm cỏ để nuôi lâu dài. Đây là loại cá dễ nuôi và chăm sóc, ít bị bệnh, sản lượng cao, giá ổn định… Từ một vài mô hình điểm, đến nay, các xóm ven hồ đã phát triển được khoảng 350 lồng cá. Nhiều hộ dân các xóm ở trung tâm xã như Điêng, Tuýp đầu tư từ 3 – 5 lồng nuôi cá. Theo lãnh đạo xã, bình quân mỗi năm thu 1 vụ cá, chăm sóc tốt có thể thu được 2 vụ. Tùy theo lồng to, nhỏ, mỗi vụ thu được từ 3 – 5 tạ cá thương phẩm /lồng. Với giá bán như hiện nay từ 65.000 – 70.000 đồng /kg, trừ chi phí, người dân có thể thu từ 20 – 30 triệu đồng /lồng/vụ. So sánh giá trị kinh tế với trồng ngô, sắn, hiệu quả của việc nuôi cá lồng cao gấp 2 lần.
Với lợi ích kinh tế từ phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền xã Tiền Phong đưa ra kế hoạch tăng số lồng cá nuôi trên hồ lên 15% mỗi năm, triển khai nuôi thử nghiệm một số giống cá đặc sản như chiên, lăng chấm, hồi… Phương thức nuôi cũng có sự thay đổi từ quảng canh sang hướng thâm canh, bán thâm canh, chú trọng nuôi bền vững, thân thiện với môi trường.
Là xã đặc biệt khó khăn, từ việc linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Tiền Phong đã từng bước tìm được lời giải cho bài toán XĐ – GN theo hướng bền vững. Năm 2013, thu nhập bình quân của xã đạt 10, 5 triệu đồng/người/ năm. Năm 2014, xã phấn đấu đạt 12 triệu đồng/người/năm.