Hiệu quả nuôi tôm theo hướng VietGAP

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngoài những mô hình sản xuất truyền thống, thời gian qua, mô hình mới – nuôi tôm theo hướng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại hiệu quả thiết thực và đang từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để đạt sản phẩm tôm VietGAP còn nhiều gian nan.

Xu thế tất yếu

Là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở ĐBSCL, Bạc Liêu có tới gần 130.000 ha đất chuyên nuôi tôm. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại tỉnh trong những năm gần đây đang bộc lộ nhiều khó khăn và rủi ro cao; do tôm chậm phát triển, thời gian thả nuôi kéo dài, dịch bệnh xảy ra nhiều và liên tục, hóa chất sử dụng để chữa bệnh cho tôm không mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh bị thiệt hại lớn, không có khả năng tiếp tục duy trì ao nuôi.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu cho biết, nhằm mục tiêu hướng đến việc sản xuất tôm sạch, chất lượng cao, góp phần tăng tính cạnh tranh tôm của Việt Nam trên thương trường, việc thực hiện nuôi tôm theo hướng VietGAP là cần thiết, đáp ứng nhu cầu tôm sạch cho thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chuyển giao khoa học – công nghệ tiên tiến cho nông dân về kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp theo hình thức này. Mô hình thành công là cơ sở nhân rộng cho nông dân trong vùng, qua đó, từng bước hướng dẫn người nuôi áp dụng VietGAP đối với nuôi tôm thương phẩm.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh toàn tỉnh là 10.200 ha. Với mật độ thả 15 – 25 con/m2, năng suất thu hoạch trung bình đạt 2,5 – 6 tấn/ha, áp dụng mô hình này cho lợi nhuận 350 – 400 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Chu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), một trong những hộ dân áp dụng mô hình này chia sẻ, 13 ao tôm của ông được đầu tư máy móc hiện đại. Do đó, không chỉ sản phẩm có chất lượng mà còn cho năng suất cao.

 

Cần kế hoạch lâu dài

Để duy trì và phát triển mô hình có hiệu quả, theo ngành chức năng, thời gian tới, các hộ nuôi tôm theo hướng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cần phải theo dõi nghiêm ngặt vấn đề dịch bệnh. Song song đó, áp dụng các giải pháp phục hồi, tái tạo lại môi trường ao nuôi để không bị thoái hóa, cạn kiệt chất dinh dưỡng trong ao.

Tuy nhiên, hầu hết tôm nguyên liệu tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua tư thương, doanh nghiệp chưa tổ chức bao tiêu với giá cả ổn định. Vì vậy, cần có giải pháp cụ thể cho việc tiêu thụ tôm như: hình thành các tổ liên kết, kết nối nông dân với doanh nghiệp… Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của tôm nuôi theo hướng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP không khác gì so với tôm nuôi thường. Vì vậy, người nuôi chưa thực sự mặn mà. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ thu mua tôm nuôi đạt chứng nhận VietGAP thì chắc chắn trong thời gian tới, giá trị tôm VietGAP sẽ được nâng lên.

>> Ông Phạm Hoàng Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào được chứng nhận tôm VietGAP. Những việc làm cụ thể khi thực hiện và áp dụng mô hình tôm VietGAP như: Tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của nuôi tôm VietGAP; Hỗ trợ ban đầu cho người nuôi; Triển khai các mô hình mẫu; Đảm bảo giá thành sản phẩm.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!