Nuôi cá bè trên đảo

Chưa có đánh giá về bài viết

Chúng tôi đến đây vào mùa mưa nhưng không khí làm việc của cả trăm người trên 3.000 bè cá nằm san sát nhau vô cùng huyên náo. Chị Bùi Thị Mai, ngụ ở thôn 9, xã Long Sơn cho biết, chị đang thả nuôi hơn 25 nghìn con cá các loại trên 66 lồng […]

Chúng tôi đến đây vào mùa mưa nhưng không khí làm việc của cả trăm người trên 3.000 bè cá nằm san sát nhau vô cùng huyên náo. Chị Bùi Thị Mai, ngụ ở thôn 9, xã Long Sơn cho biết, chị đang thả nuôi hơn 25 nghìn con cá các loại trên 66 lồng bè của mình, trong đó có 10 nghìn con cá chim trắng, 6.000 cá chẽm, 5.000 cá bớp, 4.000 cá hường.

Nhờ chọn lọc giống kỹ lưỡng, mua thức ăn chất lượng của những cơ sở uy tín cộng với việc nắm vững kỹ thuật nuôi nên từ đầu năm đến nay bè cá của chị Mai tại khu vực Mũi Dui phát triển tốt. “Hiện giá cá chim trắng khá cao, từ 160 – 170 nghìn đ/kg hứa hẹn đàn cá chim 10 nghìn con của tôi sẽ đem lại lợi nhuận khá”, chị Mai phấn chấn.

Nuôi cá bè trên đảo 

Nuôi cá bè ở Long Sơn có thu nhập khá

Từ đầu năm đến nay, 66 bè cá của chị Mai đã thu hoạch được 3 đợt, khấu trừ chi phí xong chị bỏ túi vài trăm triệu đồng. Kết quả này làm chị thêm vững tin và tiếp tục đầu tư vào SX nhằm mang lại thu nhập ổn định cho mình cùng hơn 10 lao động làm việc trên bè.

Cũng tại khu vực Mũi Dui, anh Bùi Văn Rin, ngụ ở thôn 7, xã Long Sơn cho biết, với 5 lồng cá và 8 lồng nuôi hàu của mình, từ đầu năm đến nay bè của anh thu hoạch tốt từ việc bán cá, bán hàu, khấu trừ chi phí xong vẫn lời hơn 60 triệu đồng. “Giá cá bớp đang rất cao từ 120 – 130 nghìn đ/kg, nếu giá này giữ thêm một thời gian nữa, khi đàn cá Bớp của tôi đạt trọng 3 – 4 kg chắc chắn sẽ có thêm khoản lời khá nữa”, anh Rin hồ hởi.

Để gia tăng lợi nhuận, nhiều hộ còn chọn phương án nuôi ghép cá – hàu để giảm chi phí, tận dụng mặt nước tối đa. Anh Đoàn Văn Tâm, ngụ thôn 7 cho biết, từ 2 năm nay anh chọn phương án nuôi ghép trên bè của mình. Trong số 50 lồng, anh thả nuôi cá bớp, chẽm ở 30 lồng, còn 20 lồng anh thả nuôi hàu.

11-31-41_hinh-1

“Giá hàu thương phẩm hiện nay lên tới 30 nghìn đ/kg. Đầu tư nuôi hàu ít tốn kém chi phí vì không phải cho ăn, ít bệnh tật, thời gian nuôi không quá dài và quan trọng nhất là khi cần có thể khai thác bán non hàu lúc 5 – 6 tháng tuổi để lấy chi phí hỗ trợ cho việc nuôi cá”, anh Tâm nói. 

Hiện rất nhiều hộ ở Long Sơn thả ghép cá – hàu giống như anh Tâm nhưng thả theo tỉ lệ khác nhau, tùy điều kiện của mỗi hộ. Như hộ anh Đặng Minh Quyền, ngụ thôn 6 có 30 lồng thì nuôi cá 20 lồng còn 10 lồng thả hàu. Hộ anh Nguyễn Văn Hảo, thôn 5 thả nuôi 13 lồng hàu ghép cùng 9 lồng cá. Hộ anh Nguyễn Văn Hùng, thôn 5 chọn phương án “nửa này nửa kia”, thả nuôi 8 lồng cá ghép cùng 8 lồng hàu…

Theo thống kê của xã Long Sơn, trước đây số lồng bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và vào năm 1998 chỉ có vài hộ, đến năm 2.000 tăng lên 12 hộ và hiện nay đã hơn 100 hộ, với hơn 3.000 lồng bè. Khu vực này được chia làm 8 vùng nuôi, số lượng lồng bè tập trung đông đúc với khoảng hơn 1.000 người luôn túc trực tại đây đã hình thành nên một làng bè nổi.

Tuy nhiên, thi thoảng người dân phải đối mặt với tình trạng cá đang nuôi đột ngột chết hàng loạt. Năm 2012 xảy ra 3 đợt cá chết trắng mặt lồng. Đến năm 2013 lại có thêm 2 đợt cá chết. Các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra nguyên nhân và xác định cá chết không phải do dịch bệnh, mà chính là do chất lượng môi trường nước nuôi bị ô nhiễm. Đặc biệt hàm lượng oxi hòa tan trong nước ở đây rất thấp.

Nguồn gây ô nhiễm chính được xác định đến từ cống xả thải của các công ty chế biến thủy sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có đến 22 cơ sở đầu tư hoạt động SX. Do vị trí cụm công nghiệp này nằm ở thượng lưu sông Chà Và nên việc xả thải đã gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước sông, làm cho nguồn nước ô nhiễm nặng.

>> Các bè nuôi ở đây thiết kế không theo quy hoạch, số lượng lồng kết thành bè quá nhiều, khoảng cách giữa các bè nuôi không hợp lý. Khu vực nuôi kín gió, dòng chảy êm, bố trí bè san sát nhau ở cự ly ngắn, không bảo đảm quy chuẩn về chất lượng nuôi trồng. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát, sử dụng biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Đình Long

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!