Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là vùng có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Lợi thế về địa hình, nguồn nước, khí hậu là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề này. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản tại đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đang có.
Khai thác mới chỉ 50% tiềm năng diện tích
Theo thống kê của Sở nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 11.400 ha mặt nước tiềm năng có khả năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 5 huyện tập trung lớn diện tích nuôi trồng với quy mô trên 1.000 ha là: Chư Sê 4.000 ha, Kbang 3.800 ha, Chư Pah 3.200 ha, Krông Pa 1.500 ha và Phú Thiện 1.000 ha. Đến năm 2015, diện tích mặt nước hồ chứa tại các công trình thủy lợi, ao hồ nhỏ và ruộng lúa vùng trũng sử dụng nuôi thủy sản tăng lên 15.870 ha và diện tích này có thể tăng lên 24.340 ha, phân bổ hầu hết các huyện, thị xã, thành phố vào năm 2020.
Hiện nay, chỉ có 6.550 ha được khai thác nuôi trồng, chủ yếu nuôi trồng trên diện tích mặt nước hồ chứa, ao, ruộng trũng và nuôi cá lồng, chiếm tỷ lệ 57,47% tổng diện tích mặt nước hiện có. Diện tích tiềm năng này tăng lên rất nhiều do còn có hàng trăm dự án xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn tạo nên những hồ chứa nước có thể phát triển nuôi cá theo các hình thức như thả cá, nuôi cá trong lồng… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích hồ đập thủy lợi, thủy điện có tiềm năng nuôi trồng thủy sản nhưng chưa khai thác tốt – Ảnh: Anh Khoa
Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí phát triển quá chậm; chưa tận dụng và phát huy hết lợi thế sẵn có ở địa phương. Tổng sản lượng cá hàng năm chỉ đạt trên 2.000 tấn, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cá nước ngọt toàn tỉnh. Theo Chi cục Thủy lợi và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), việc đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống thủy lợi, sản xuất giống cũng như hệ thống quan trắc môi trường, dịch bệnh. Nhân lực cho nghề nuôi trồng thủy sản thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ thuật. Công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển thủy sản chưa được coi trọng cả từ khâu quản lý chất lượng giống, sản xuất, tiêu thụ; chưa quy hoạch được khu nuôi, vùng nuôi tập trung.
Cần có lộ trình hợp lý
Theo các nhà chuyên môn, Gia Lai có điều kiện thuận lợi cơ bản mà nhiều địa phương khác trong cả nước không có được là khí hậu và nguồn nước thích hợp để nuôi cá nước ngọt sinh trưởng và phát triển nhanh; chủ động được khâu sản xuất giống thủy sản nước ngọt cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi trồng của người dân. Tình trạng kém phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản trong những năm qua là do trình độ và phương thức canh tác, nuôi trồng còn nhiều hạn chế. Người dân chỉ nuôi 1 vụ khai thác vào cuối năm, chủ yếu tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên để chế biến; việc nuôi thả còn mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ. Cơ sở sản xuất giống, dịch vụ nghề nuôi, sản xuất thủy sản còn nghèo nàn, lạc hậu, nhất là tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống quản lý và dịch vụ kỹ thuật yếu kém, công tác khuyến ngư còn hạn chế chưa được quan tâm và ít sự đầu tư đúng mức. Từ những hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất các cấp, các ngành chức năng phê duyệt vùng nuôi trồng thủy sản tập trung mang tính khoa học, tiến tới quy hoạch những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng lĩnh vực này trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo quy hoạch phát triển thủy sản Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngành sẽ khai thác tối đa tiềm năng diện tích mặt nước để phát triển thủy sản theo chiều rộng và chiều sâu có bước đột phá về cơ cấu giống, đảm bảo tốc độ tăng sản lượng thủy sản bình quân cả giai đoạn là 21,4%/năm, đầu tư xây dựng vùng nuôi cá rô phi tập trung.
Ảnh: Bội Ngọc
Gần hơn là dự án hỗ trợ phát triển hệ thống nuôi giống thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Dự án triển khai tại các huyện: Chư Pah, Kbang, Chư Prông, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Nâng cấp gần 6 ha ươm nuôi cá giống, hoàn thiện các công trình phụ trợ, thiết bị ươm nuôi cá giống trong vùng dự án đảm bảo mục tiêu mỗi năm sản xuất 6 triệu con cá giống nước ngọt đạt chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển thủy sản tại địa bàn và khu vực phụ cận. Để đa dạng cơ cấu giống, dự án tập trung nghiên cứu sản xuất các loài cá nước ngọt đang khẳng định giá trị kinh tế cao trên thị trường trong và ngoài nước như: cá thác lác cườm, cá chình, cá lăng nha.
>> Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần có lộ trình thay thế giống thủy sản truyền thống bằng giống mới năng suất, sản lượng cao hơn; đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động trại giống tư nhân; phát triển các trại ươm nuôi cá bột, cá giống tại vùng sâu, vùng xa, xây dựng dự án chuyển giao công nghệ nuôi cá bản địa; nhất là củng cố cơ quan quản lý, thành lập trung tâm giống thủy sản hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các địa phương, tăng cường đội ngũ quản lý và mở thêm nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT) |