Dù mới được thành lập, song với ý chí quyết tâm, Kiểm ngư Việt Nam đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để xây dựng lực lượng vững mạnh còn nhiều việc phải làm. TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Lê (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về đội ngũ kiểm ngư Việt Nam, thưa ông?
Là một lực lượng mới được thành lập với chức năng và nhiệm vụ khá đặc thù là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; đồng thời, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển; Đội ngũ công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư được tuyển chọn kỹ từ nhiều nguồn và đã được đào tạo chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ khá bài bản.
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian vừa qua đã cho thấy ý thức hoàn hành nhiệm vụ được giao, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng ứng phó với các tình huống của đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư là rất tốt. Thể hiện rõ ở những kết quả mà Cục Kiểm ngư đã đạt được từ nhiệm vụ quản lý nhà nước đến các nhiệm vụ đảm bảo thực thi pháp luật trên biển.
Trong thời gian tới để đẩy mạnh chất và lượng cán bộ kiểm ngư cần thực hiện những biện pháp gì, thưa ông ?
Vấn đề không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư luôn được lãnh đạo Cục Kiểm ngư coi là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Kiểm ngư tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, xây dựng Đề án mô tả vị trí việc làm, định biên cho lực lượng Kiểm ngư và Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Kiểm ngư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2015. Xác định số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực để tổ chức hoạt động kiểm ngư đạt hiệu qủa cao nhất, thể hiện ở ba yêu cầu cơ bản: Một là số lượng, số người cần có đủ cho tổ chức hoạt động; Hai là chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp phù hợp nhu cầu tổ chức; Ba là cơ cấu nguồn nhân lực, số lượng từng ngạch công chức, học hàm học vị… Căn cứ vào chức năng và các nhóm nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Kiểm ngư như: Nhóm nguồn nhân lực quản lý nhà nước nói chung; Nhóm nguồn nhân lực quản lý nhà nước chuyên ngành; Nhóm nguồn nhân lực phục vụ; Nhóm nguồn nhân lực thực thi pháp luật.
Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên ngành: Đến năm 2015, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ kiểm ngư và cấp thẻ cho Kiểm ngư viên và thuyền viên tàu Kiểm ngư thuộc Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Vùng V và 3 Chi đội Kiểm ngư. Đến năm 2020, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho 100% Kiểm ngư viên và thuyền viên tàu kiểm ngư trong toàn hệ thống kiểm ngư.
Thứ ba, xây dựng chính sách ưu tiên tuyển dụng, đào tạo để thu hút nguồn nhân lực phục vụ lực lượng Kiểm ngư.
Nâng cao chất lượng cán bộ Kiểm ngư là việc cần thiết – Ảnh: Nguyễn Đông
Bên cạnh con người, phương tiện cho Kiểm ngư có vai trò như thế nào, thưa ông?
Với chức năng, nhiệm vụ đặc thù như đã nêu trên, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực; các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động kiểm ngư có vai trò rất quan trọng là công cụ để đội ngũ công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư có thể ứng dụng, thể hiện được hết kỹ năng, tri thức của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Có thể chia thành bốn nhóm chính: Thiết bị phục vụ công tác hành chính (như các máy móc, trang thiết bị văn phòng); Thông tin liên lạc (các hệ thống thông tin liên lạc giữa các đơn vị thuộc Cục, hệ thống thông tin liên lạc từ bờ tới tàu và ngược lại; các trang thiết bị liên lạc vệ tinh…); Thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư; tàu, xuồng kiểm ngư.
Các nhóm phương tiện, trang thiết bị này gắn bó hữu cơ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau để phát huy hết tính năng, tác dụng. Vì vậy, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đủ mạnh sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư có thể hoạt động dài ngày trên biển, tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản và hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.