Sau thời gian dài tạm lắng, tình trạng khai thác san hô trái phép ở phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại tái diễn. Dù chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, một số đối tượng vẫn lén khai thác san hô.
Đào san hô về nung vôi…
Trở lại bãi biển tổ dân phố Mỹ Á, phường Ninh Thủy một ngày gần đây, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tái diễn tình trạng khai thác san hô trái phép ở đây. Trên bãi san hô ven bờ, một số người dân hì hục dùng xà beng để đào, nạy những tảng san hô đưa lên bờ. Họ xắn san hô thành từng cục nhỏ, mảng nào lớn dùng búa đập ra để thuận tiện cho việc vận chuyển. Dọc bờ biển, san hô được chất thành đống đợi phương tiện tới chở đi.
Một người dân cho biết, khai thác san hô là một trong những “nghề chính” của ngư dân vùng này. Người ta đào san hô về để nung vôi và làm bẫy nhử tôm hùm con. Thời gian trước, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nên tình trạng khai thác san hô giảm nhiều; có giai đoạn không ai dám đào san hô vì chính quyền xử lý rất gắt gao. Thế nhưng thời gian gần đây, người dân lén lút trở lại khu vực này để khai thác san hô trái phép. Nguyên nhân là do nhiều hộ nuôi tôm cải tạo lại đìa bỏ hoang, nên một số người đến để xin lấy san hô cảo lên từ đìa. Lợi dụng việc này, nhiều người tranh thủ ra bãi triều để khai thác san hô; san hô có nguồn gốc từ cải tạo đìa thì ít, còn khai thác từ ngoài biển thì nhiều.
Người dân đang khai thác san hô tại khu vực bãi triều tổ dân phố Mỹ Á.
Bắt chuyện với một thanh niên đang chất san hô lên xe máy để đưa về làng, anh ta cho hay để tránh lực lượng tuần tra, anh thường vận chuyển vào buổi trưa hoặc chiều tối. Dù biết không được khai thác, vận chuyển san hô nhưng anh ta vẫn làm vì không có nghề nào khác. Trong khi đó, một người đàn ông tự xưng tên Hoàng ở tổ dân phố Mỹ Á bao biện: “San hô khai thác về chủ yếu bán cho các lò nung vôi. Chúng tôi biết làm vậy là sai nhưng vì kinh tế khó khăn nên vẫn làm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người khai thác san hô ở khu vực này, có người lấy về bán lại nhưng cũng có người đem về trực tiếp nung vôi rồi bán ra thị trường. Những năm trước, không chỉ người địa phương mà người dân của một số xã lân cận cũng tìm đến Ninh Thủy để khai thác san hô. Từ năm 2010 đến 2013, do việc khai thác và vận chuyển bị kiểm soát gắt gao nên họ đã chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người cố tình khai thác san hô để bán vì nhu cầu của thị trường còn lớn. Mỗi khối san hô để nung vôi được bán với giá từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng tùy vào từng thời điểm.
Chính quyền sẽ xử lý quyết liệt hơn
Theo các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang, các khối san hô chỉ tăng trưởng khoảng 1cm/năm. Nếu một khối san hô đường kính 1m bị phá hủy thì hàng trăm năm sau, thiên nhiên chưa chắc đã tái tạo được…
Ý thức được tầm quan trọng đó, những năm vừa qua, UBND thị xã Ninh Hòa đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn nạn khai thác san hô trái phép. Từ đầu năm đến nay, chính quyền thị xã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, phường, yêu cầu chính quyền địa phương phải chủ động thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, mua bán san hô. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân. Ông Phạm Tấn Đang – Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết: “Từ năm 2010, UBND phường đã thành lập đội chuyên tuần tra để bảo vệ rạn san hô của địa phương, đồng thời cấm và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân khai thác trái phép nên tình hình có giảm. Gần đây, người dân lén lút khai thác san hô trở lại nên chúng tôi đã tăng cường kiểm tra. Tuy vậy, một số người tìm cách đối phó bằng cách khai thác khi đoàn kiểm tra không có mặt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này quyết liệt hơn”.
Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa khẳng định: “Ngày 10/9, chúng tôi đã có công văn gửi các địa phương quản lý chặt tình trạng khai thác khoáng sản cũng như khai thác san hô. Nhưng trước nạn khai thác san hô tái diễn, Phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo và có phương án xử lý, không để xảy ra tình trạng người dân lén quay trở lại khai thác san hô”.