Ban đầu, chỉ có vài hộ nuôi, nay diện tích nuôi cá lóc bông tại huyện Nghĩa Hưng đã mở rộng lên 41 ha với 87 hộ tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi cá truyền thống.
Hiện, nguồn cá giống được nhập chủ yếu từ các tỉnh miền Nam. Tại Nghĩa Hưng, cá lóc bông chỉ nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 4 thả giống, đến tháng 9 cho thu hoạch rải rác và hết tháng 11 là kết thúc vụ nuôi. Dù vậy nhưng mỗi năm sản lượng cá lóc bông của huyện luôn đạt trên 400 tấn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo hạch toán của các hộ nuôi cá lóc bông, mỗi ha có thể cho năng suất hơn 11 tấn, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng và cho thu lãi 150 – 200 triệu đồng/ha.
Hiện, nguồn cá giống được nhập chủ yếu từ các tỉnh miền Nam – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng, so với nuôi cá truyền thống, nuôi cá lóc bông không khó, không đòi hỏi diện tích quá lớn, hiệu quả tương đối cao. Để nuôi đạt hiệu quả cao, phải cải tạo ao đúng quy trình, kỹ thuật, quá trình nuôi dưỡng phải luôn giữ môi trường sạch sẽ, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, sau 5 – 6 tháng nuôi cá có thể đạt trọng lượng 1 – 1,3 kg/con.
Vụ nuôi năm nay, ngay từ đầu vụ, huyện đã có văn bản chỉ đạo kịp thời từ việc cải tạo ao đầm đến lịch thả giống, đồng thời tăng cường công tác quản lý giống; phối hợp với các cơ quan của Sở NN&PTNT Nam Định trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Dự kiến, tổng sản lượng cá lóc bông toàn huyện năm 2014 đạt 450 tấn.