Từ đầu mùa mưa, Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm đã tuyên truyền bà con tích cực triển khai các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, theo đó từ giữa tháng 9 trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng tương đối nhanh gần 2.500 ha, riêng nuôi cá trong vèo chiếm trên 3.000 m2 diện tích mặt nước, tăng hơn gần 800 m2 so với tháng trước.
Bà con nuôi cá lóc trong vèo thường chọn cá lóc đầu vuông vì cá tăng trọng nhanh, mau cho thu hoạch; Điểm nổi bật của mô hình này là giải quyết tốt việc làm tại chỗ và là một trong những cách giảm nghèo cho các hộ ít đất canh tác; Vì nuôi cá lóc trong vèo khá đơn giản, không cần diện tích lớn, dễ quản lý, có thể tận dụng thức ăn sẵn có và quan trọng nhất là chi phí đầu tư thấp.
Nuôi cá lóc trong vèo ( Ảnh minh họa )
Theo nhiều hộ nuôi, nhờ thời tiết năm nay thuận lợi nên cá ít bị hao hụt, chỉ từ 20 – 25%, cộng với lượng thức ăn từ cá tự nhiên năm nay tương đối nhiều hơn mọi năm. Anh Nguyễn Văn Tấn ở phường 1, thị xã Ngã Năm đã làm vèo nuôi cá từ sớm, nên hiện đàn cá đang chuẩn bị thu hoạch. Anh phấn khởi vì đúng lúc giá cá lóc đang tăng, thương lái đến mua với giá 40.000/kg tính ra lời từ 8.000 – 10.000 đồng. Với 1.000 m2 mặt nước anh Tấn nuôi 10.000 con cá giống, ước sẽ thu hơn 9 tấn cá, như vậy sau gần 5 tháng nuôi chăm sóc sẽ có lời hơn 90 triệu đồng. Anh Tấn phấn khởi “Giờ kinh nghiệm nuôi cá lóc trong vèo của mình cũng tích lũy được khá nhiều, nên khâu kỹ thuật tôi thấy không mấy khó khăn, nuôi cá trong vèo dễ hơn ngoài như cho ăn, thuốc men rồi thương lái đến cũng dễ bắt bán hơn, mùa lũ đến cũng không sợ hụt cá, chi phí đầu tư không tốn nhiêu, chi phí khoảng 1,9 triệu là may được vèo bề ngang 8m, dài 18m, nuôi trong đó được cỡ 10.000 con cá”.
Anh Nguyễn Văn Liệt cũng ở phường 1 cho biết, anh nuôi cá lóc quanh năm nhưng đây là thời gian nuôi đạt nhất trong năm, mùa lũ thức ăn cho thủy sản nuôi rất phong phú. Cá lóc lại là loài ăn tạp, nếu nuôi trễ thì không tận dụng được cá bổi, cá vụn để làm mồi. Cá nuôi trong mùa nước lũ rút ngắn được thời gian khoảng 15 – 20 ngày, nhờ môi trường nước tốt và đầy đủ thức ăn. Nếu như những vụ trước chi phí thức ăn cho một kg cá lóc thương phẩm khoảng 28 – 30 ngàn đồng, thì mùa này giảm còn khoảng 25 ngàn. Giá cá lóc đang tăng nên lợi nhuận cũng cao hơn Theo anh Liệt, để nuôi cá đạt đầu con, thì ngoài quản lý kỹ nguồn nước, việc chọn cá giống chất lượng là khâu rất quan trọng. Thường vụ thả nuôi sẽ kết thúc vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, nên hiện tại, giá cá lóc giống tăng từ 250 đồng lên 400 đồng/con. Anh Liệt chia sẻ kinh nghiệm “Trước khi thả cá giống thì mình phải xử lý tốt buồn nước, đây là khâu rất quan trọng, qua một tháng nuôi mình xử lý nước lần nữa vì để cá con nước dơ là nó bị bệnh. Khi thăm nhìn thấy cá lừ đừ là do nước dơ, phải mua thuốc sát trùng nước về pha nước rải. Còn con giống thì chọn con đều”.
Trong lúc nông nhàn chờ vào vụ lúa Đông Xuân, nông dân Ngã Năm đã áp dụng các mô hình phù hợp, không cần nhiều diện tích nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Thiên nhiên ưu đãi và bản chất vốn siêng năng cần cù, thì đối với nhà nông, chuyện làm giàu không phải là quá khó.