UBND tỉnh Đồng Nai đã có quy định cấm đặt đăng chắn, bửng trên hồ Trị An vì gây nguy hiểm cho những hộ dân đánh bắt thủy sản, đồng thời tận diệt nhiều loại thủy sản. Thế nhưng, một số “đại gia” vẫn ngang nhiên đặt đăng, bửng với diện tích ước tính lên đến 1 ngàn ha ven hồ.
Phóng viên đã có cuộc khảo sát trên lòng hồ Trị An, phát hiện hàng loạt đăng chắn lưới được đặt dọc theo khu vực ven hồ Trị An. Mỗi chiếc đăng chắn rộng từ 30 – 100 ha. Có những khu vực đăng chắn dọc hai ven hồ chỉ còn lại một đường đi nhỏ ở giữa. Việc này khiến hàng ngàn người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ven hồ Trị An rất bức xúc.
Cấm vẫn làm
Vào giữa tháng 9/2014, Báo Đồng Nai đã có bài viết về tình trạng đặt đăng chắn trên hồ Trị An có thể gây ra nhiều hệ lụy. Huyện Định Quán yêu cầu các chủ đăng, bửng phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Nhưng đến thời điểm này không những không tháo dỡ, các chủ đăng còn ngang nhiên thuê người tiếp tục đóng cọc khoanh vùng trên hồ Trị An và khu vực thượng nguồn sông La Ngà. Tại mỗi đăng được đặt từ 3 – 4 bè, trên mỗi bè có khoảng 5 – 7 thanh niên cao to canh giữ. Những người dân đánh bắt thủy sản chỉ cần lại gần đăng là bị hăm dọa và đuổi ra.
>> Bà Võ Thị Tiền, ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), chia sẻ bà làm nghề cắt lục bình ven hồ Trị An để đan giỏ kiếm sống, nhưng 2 năm nay thất nghiệp vì các chủ đăng, bửng chắn dọc ven hồ không cho vào cắt lục bình. “Gần 60 tuổi tôi biết đi đâu kiếm việc để nuôi sống bản thân, do đó tôi chỉ mong tỉnh, huyện sớm dẹp đăng, bửng để không đẩy những người dân nghèo như tôi vào ngõ cụt” – bà Tiền nói. |
Ông Lê Văn Điển, ấp 1, xã Phú Ngọc, bức xúc: “Tôi đã 64 tuổi, sức yếu chỉ có thể đánh bắt thủy sản ở gần bờ, song nay họ đặt đăng chắn, bửng dọc ven hồ khiến tôi phải chèo xuồng ra tận khu vực lòng hồ để đánh bắt. Mỗi lần đi là lại nơm nớp lo sợ vì nếu không may xảy ra mưa lớn hoặc dông lốc vướng đăng, bửng không vào bờ kịp thì chỉ có mất mạng”. Nỗi lo của ông Điển cũng chính là nỗi lo chung của hàng ngàn ngư dân mưu sinh trên hồ Trị An.
Anh Nguyễn Trí, ngư dân ấp 1, xã Phú Ngọc nói: “Các loài cá có thói quen vào ven bờ để sinh sản nên đặt đăng chắn kiểu này thì tận diệt sạch cả cá mẹ lẫn cá con. Đây là việc cấm kỵ của ngư dân đánh bắt trên lòng hồ”.
Lưới dùng cho các đăng chắn trên hồ Trị An là loại dày, con tép nhỏ lọt vào cũng không thoát nổi, bắt sạch cả cá mẹ lẫn cá con. Loại đăng chắn này được thiết kế theo kiểu cá đã vào là không ra được nên nhiều người dân gọi đây là phương tiện hủy diệt thủy sản hồ Trị An.
>> Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, hồ Trị An có diện tích trên 32 ngàn hécta. Trên hồ có khoảng 1 ngàn hộ với khoảng 5 ngàn nhân khẩu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. |
Ông Nguyễn Văn Khiêm, ấp 1, xã Phú Ngọc, than thở: “Trước đây chưa có đăng chắn, tôi đánh bắt được từ 80-100 kg cá lớn/ngày. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tôi chỉ bắt được 10-20 kg cá/ngày, có ngày đành về tay không nên gia đình thiếu trước hụt sau”.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Tổ trưởng khu 8, ấp 1, xã Phú Ngọc, cũng vì đăng chắn đánh bắt kiểu tận diệt mà một số hộ có hơn 20 năm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An phải bỏ xứ sang tỉnh Bình Thuận sinh sống. Ngoài tận diệt nguồn lợi thủy sản trên hồ, đăng chắn còn gây nguy hiểm rất lớn đến tính mạng của người dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên hồ.
Không tháo dỡ sẽ cưỡng chế
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên trong buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy vào ngày 11/10. Cũng theo bà Yên, chỉ những hộ giàu có mới đủ khả năng đặt đăng chắn, bửng trên hồ Trị An vì mỗi chiếc đăng chắn trị giá lên đến cả tỷ đồng, trong đó có thông tin một số cán bộ xã cũng bỏ tiền hùn hạp để làm chung. Thông báo của huyện Định Quán, đến ngày 15/9/2014 các hộ có đăng chắn, bửng phải tự tháo dỡ, song đến nay các hộ này không tháo dỡ mà còn ngang nhiên mở rộng các đăng khiến các ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An rất bức xúc.
Điện được kéo ra các đăng bằng các cột tre mong manh rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại hồ Trị An, khu vực gần cầu La Ngà).
Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết: “Tình trạng đặt đăng chắn lưới có từ năm 2012, lúc đó người dân rất bức xúc vì Hợp tác xã Đa Lộc thầu lại khu vực mặt nước lòng hồ Trị An đã cho thuê 1 – 2,5 triệu đồng/ha/năm để làm đăng, bửng. Sau đó HTX này giải thể, các chủ đăng, bửng đã bỏ tiền ra thuê không chịu dẹp mà tiếp tục dây dưa đến nay. Từ năm 2013, thấy các hộ cũ không dẹp, một số hộ mới tiếp tục ngang nhiên đặt đăng, bửng”. Ông Biên còn cho hay, khu vực hồ Trị An là do Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai quản lý cho nên muốn huyện thực hiện cưỡng chế thì UBND tỉnh phải có văn bản chỉ đạo.
>> Về thông tin nhiều người dân tố cáo một số cán bộ các xã Phú Ngọc, La Ngà, cán bộ huyện Định Quán hùn hạp để làm đăng, bửng trên hồ Trị An, ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, khẳng định huyện có nhận được thông tin này và cho rà soát trong cán bộ huyện nhưng không phát hiện trường hợp nào có hùn hạp để làm đăng, bửng. Huyện đang tiếp tục điều tra các cán bộ xã mà người dân phản ánh, nếu có bằng chứng liên quan huyện sẽ xử lý nghiêm. |
Tuy nhiên, trước đó ngày 12/4, UBND tỉnh đã có văn bản 2789 yêu cầu huyện Định Quán, Vĩnh Cửu phối hợp với khu bảo tồn kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng đặt đăng chắn trên hồ Trị An. Sau đó, ngày 9-7, UBND tỉnh lại tiếp tục có văn bản 6179 yêu cầu huyện Định Quán tiếp tục phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai tồn xử lý việc đặt đăng chắn, song đến nay việc đặt chắn vẫn ngang nhiên trên hồ Trị An đe dọa tình mạng của hàng ngàn ngư dân và hủy hoại môi trường. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, cho biết: “Đặt đăng chắn sẽ đánh bắt tận diệt nhiều loài cá quý hiếm trên hồ, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vì vậy, Khu Bảo tồn rất mong sớm phối hợp dẹp đăng chắn để đảm bảo an toàn cho ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ, tránh phá hoại đa dạng sinh học”.