Nhằm đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai nhiều mô hình mới cho hiệu quả cao. Ông Phạm Kim Cường (ảnh), Giám đốc Trung tâm trao đổi với TSVN xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết hoạt động khuyến ngư của tỉnh trong thời gian qua?
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã có nhiều hoạt động chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực khuyến ngư về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Cụ thể hàng năm, Trung tâm triển khai tập huấn, hội thảo kỹ thuật trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản khoảng 40 lớp với trên 1.500 lượt người tham dự. Cùng đó, Trung tâm cũng chú trọng nhiệm vụ xây dựng khoảng trên 10 mô hình với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người dân trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Nhìn chung, các mô hình thực hiện trong năm đang được triển khai đúng tiến độ, đã và đang mang lại hiệu quả tốt.
Vậy khó khăn khi thực hiện những mô hình thủy sản thí điểm ở đây là gì, thưa ông?
Ở các mô hình, đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tề cao thường thì giá trị con giống cũng cao, thời gian nuôi kéo dài, khiến người dân ngại đầu tư… Một số mô hình mới ngư dân chưa có điều kiện tiếp cận, chưa đánh giá hiệu quả trong thực tế; Mặt khác, kinh phí đối ứng là vấn đề rất lớn ngư dân rất cân nhắc khi tham gia thực hiện (họ phải chi 50% nhưng chưa rõ hiệu quả), giá trị đầu tư cao.
Mô hình nuôi ếch trong bể xây cho hiệu quả cao
Hoạt động khuyến ngư nào sẽ được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng trong thời gian tới, thưa ông?
Trung tâm định hướng xây dựng một số mô hình mới như hàu Thái Bình Dương; hoàn thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng… Song song, sẽ tiếp tục đầu tư mô hình áp dụng công nghệ dò cá trên tàu khai thác, phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, chú trọng giúp ngư dân ra khơi bám biển trong thời gian dài cần phải ưu tiên triển khai thực hiện như mô hình: hầm bảo quản bằng inox kết hợp với mô hình hệ thống làm lạnh để ngư dân bảo quản nguyên liệu lâu hơn. Mặt khác, các mô hình trang thiết bị, máy móc phục vụ cho khai thác, chế biến có tính mới hiệu quả cũng sẽ được triển khai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Các mô hình thủy sản đã và đang triển khai 1. Mô hình ương tôm thẻ chân trắng: Để hạn chế dịch bệnh EMS trên tôm, Trung tâm đã xây dựng mô hình ương TTCT tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, với quy mô 1.000 m2, mật độ 700 con/m2. Kết quả sau một tháng ương, tôm đạt trọng lượng 480 con/kg, tỷ lệ sống 90%, hệ số thức ăn 1,0; Lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. 2. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng con giống sau khi ương: Được triển khai tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ với quy mô 2.500 m2, mật độ 90 con/m2. Kết quả sau 2,5 tháng nuôi, đến nay, tôm đạt kích cỡ 110 con/kg, tỷ lệ sống 85%, sản lượng ước đạt 1,7 tấn. Triển khai thành công mô hình, người nuôi sẽ áp dụng quy trình nhằm rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi. 3. Mô hình nuôi cá lóc bông: Với mục tiêu tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Trung tâm đã xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá lóc bông tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, quy mô 700 m2, mật độ 10 con/m2, sử dụng thức ăn cá tạp (nguồn thức ăn này sẵn có, tiết kiệm chi phí). Kết quả, sau 3,5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 500 g/con, tỷ lệ sống 90%. 4. Mô hình nuôi ếch trong bể xây: Tận dụng diện tích các chuồng trại chăn nuôi kém hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân; Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi ếch trong bể tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, với quy mô 100 m2, mật độ 80 con/m2. Kết quả sau 3 tháng nuôi, ếch thương phẩm đạt 3 – 4 con/kg, tỷ lệ sống 88%, sản lượng thu hoạch là 1.005 kg, lợi nhuận thu được 17 triệu đồng. 5. Mô hình hầm bảo quản inox: Trung tâm thực hiện từ năm 2013 và 2014, là mô hình mới, được triển khai trong một năm, nhưng triển vọng rất khả quan để áp dụng để giảm tổn thất sau thu hoạt và được đánh giá cao. Khi áp dụng mô hình, tỷ lệ hư hỏng nguyên liệu đã giảm đáng kể, cụ thể: Tàu không sử dụng hầm bảo quản inox tỷ lệ hư hỏng nguyên liệu 30 – 35%; thời gian bảo quản 8 – 12 ngày… Trong khi, tàu có hầm bảo quản bơm foam và ốp inox tỷ lệ hư hỏng nguyên liệu 5 – 10%, thời gian bảo quản 15 – 22 ngày. 6. Mô hình nồi hơi trong chế biến: đã tiết kiệm nhiên liệu (chất đốt than đá) khoảng 35%, chi phí chế nhiên liệu 460 nghìn đồng/tấn bán thành phẩm khi sử dụng. Đối với sử dụng gas 1,2 triệu đồng/tấn bán thành phẩm. Từ đó, chi phí nhiên liệu giảm khoảng 60%, ngoài ra, vấn đề kiểm soát vi sinh vật rất tốt qua các yếu tố nhiệt độ và thời gian chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, các mô hình khác như nuôi ghép cá chép V1 là chính, nuôi cá bớp trong lồng bè, mô hình kiêm nghề trong khai thác… đều đang triển khai theo đúng tiến độ và người dân thực hiện tốt theo quy trình kỹ thuật. |