Thanh Hóa tập trung phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những tiềm năng sẵn có, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành thủy sản đồng bộ từ nuôi trồng, đánh bắt đến dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hiện, diện tích NTTS nước ngọt của tỉnh Thanh Hóa là 10.350 ha, sản lượng hàng năm đạt 24,1 nghìn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Diện tích nuôi nước mặn, lợ là 7.700 ha, nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các loại giống mới sản lượng đạt 15,9 nghìn tấn/năm. Nhiều mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cá lóc thâm canh trong bể xi măng, nuôi bán thâm canh cá rô đầu vuông, nuôi ngao và cá biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT), cua xanh… phát triển mạnh tại các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thị xã Sầm Sơn.

Nuôi cá tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa – Ảnh: Hồng Đô

 

Nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả

Tôm được xác định là đối tượng nuôi chủ lực trong NTTS vùng triều ở Thanh Hóa. Những năm gần đây, nuôi tôm công nghiệp đang từng bước phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng ven biển. Hiện, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh 4.037 ha; trong đó, 3.923 ha tôm sú, 140 ha TTCT, phát triển mạnh ở các huyện Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, vụ tôm vừa qua, sản lượng TTCT đạt sản lượng 500 tấn/140 ha, bằng 200% so cùng kỳ 2013. Trên ao đất thuộc các vùng triều, năng suất tôm trung bình đạt 8 – 10 tấn/ha/vụ. Cá biệt, tại các ao nuôi của xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, năng suất tới 15 tấn/ha/vụ. 

Trong vụ nuôi xuân – hè vừa qua, các ao nuôi tại Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đạt tới 16 tấn/ha. Nhằm đẩy mạnh khả năng thâm canh, nhiều chủ đồng đã dùng một số diện tích chuyên ương giống, các diện tích còn lại nuôi tôm thương phẩm nên đã nuôi được 3 vụ tôm/năm.

Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng NTTS cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 140 ha  nuôi tôm công nghiệp, cho sản lượng 1.500 tấn. Trong khi, với gần 4.000 ha diện tích nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh cho sản lượng 1.100 tấn.

Cùng đó, nuôi tôm công nghiệp ở Thanh Hóa đã và đang thực hiện theo mô hình VietGAP để phát triển bền vững, đảm bảo đảm toàn dịch bệnh, thực phẩm, môi trường và an sinh xã hội. Theo quy hoạch chung, đến năm 2015, toàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện 250 ha TTCT với sản lượng 3.000 tấn; 3.823 ha tôm sú, sản lượng 1.500 tấn.

 

Mục tiêu phát triển bền vững

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 8 – 9%/năm. Mở rộng diện tích NTTS trên 10.000 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 28.400 tấn. Diện tích NTTS kết hợp với lúa đạt 2.000 ha tại các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Nga Sơn. Tỉnh cũng ổn định vùng sản xuất muối 250 – 300 ha tại các xã Hòa Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) và Hải Châu (huyện Tĩnh Gia). 

 Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt, mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững nền nông nghiệp của tỉnh; phấn đấu cơ bản hình thành được nền nông nghiệp hàng hóa lớn, công nghệ cao, có thương hiệu mạnh và hướng tới xuất khẩu (chiếm 50% trở lên). Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 là 0,5%; trong đó, nông nghiệp 3,8%, lâm nghiệp 11,8% và thủy sản 7,3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm 30,2%, năm 2025 là 50,1%.

Để đạt được mục tiêu, tỉnh tập trung chuyển đổi một phần nuôi tôm sú quảng canh năng suất thấp sang phát triển nuôi TTCT thâm canh để tăng sản lượng và giá trị trong NTTS. Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực phục vụ xuất khẩu, đồng thời, tiếp tục chuyển dịch diện tích lúa trũng sang nuôi thủy sản theo hình thức luân canh đa dạng đối tượng nuôi. Áp dụng quy phạm nuôi trồng thủy sản theo hình thức VietGAP… 

>> Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh thể hiện sự đột phá về tổ chức sản xuất nông nghiệp; áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để quy hoạch khu sản xuất công nghệ cao, tạo vùng sản xuất có giá trị hàng hóa cao;lựa chọn sản phẩm chủ lực; đồng thời, xây dựng được thương hiệu những sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

Lê Trung Hợi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!