Nâng cao chất và lượng khuyến nông viên cơ sở

Chưa có đánh giá về bài viết

Đóng góp quan trọng vào thành công hoạt động khuyến nông, khuyến ngư thời gian qua, phải kể đội ngũ khuyến nông cơ sở – lực lượng gắn bó sâu sát công việc hằng ngày của nông, ngư dân. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa được quan tâm thích đáng.


Người cầm tay, chỉ việc

Khuyến nông viên (KNV) cơ sở không chỉ là cầu nối để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp cùng nông dân thực hiện những mô hình khuyến nông mới. Thực tế cho thấy, cán bộ KNV cơ sở có vai trò rất lớn trong  phát triển nông nghiệp tại địa phương; ngoài hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, họ còn cùng chính quyền địa phương triển khai tốt lịch sản xuất, phát hiện kịp thời và khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đối tượng nuôi, đồng thời kết hợp với các ban ngành đoàn thể để dạy nghề cho nông dân…

Ông Phan Văn Niêm, xóm Vạn Nam, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, triển khai mô hình mới nuôi cua biển thương phẩm, ông được cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, phòng bệnh cho cua, nên kết thúc mô hình đạt hiệu quả cao. Không những vậy, những hộ đến học hỏi đều được chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.

Tương tự ở các địa phương, như Bến Tre, ông Bùi Văn Len (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) chia sẻ: Địa phương đang áp dụng nhiều mô hình nuôi thủy sản, trong đó có nuôi tôm càng xanh trong mương dừa. Nhờ những cán bộ KNV mà người dân được tập huấn kỹ thuật để có thêm kinh nghiệm nuôi tôm. Kết quả, nhiều hộ áp dụng mô hình thu lãi cao.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: “KNV cơ sở là người gần nông dân nhất, cùng nông dân đồng hành trong công việc. KNV cơ sở được tập huấn quy phạm nuôi theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường; hướng dẫn ghi nhật ký và chỉ đạo thực hiện nuôi theo quy phạm; đồng thời phân tích, tuyên truyền lợi ích việc áp dụng quy phạm để nhân rộng mô hình. KNV cơ sở không thể thiếu trong xây dựng mô hình, góp phần thắng lợi nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững”.

Nhiều mô hình khuyến ngư được nhân rộng nhờ KNV cơ sở – Ảnh: Trần Út

 

Lực lượng thiếu và yếu

Theo TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tính đến cuối năm 2011, tổng số cán bộ, khuyến nông viên ở các địa phương cả nước là 34.747 người, tăng 3% so với năm 2010. Bình quân cứ 280 hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, có 1 cán bộ khuyến nông. Tuy nhiên, ông Thông cho biết, hiện vẫn còn nhiều tỉnh chưa có mạng lưới KNV cơ sở cấp xã, như Hải Phòng, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… và một số tỉnh chưa đủ số lượng theo quy định – mỗi cấp xã thuộc địa bàn khó khăn có ít nhất hai KNV cơ sở, các xã còn lại có ít nhất một KNV cơ sở.

TS Phan Huy Thông nhận xét: Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông cơ sở, còn yếu và thiếu. Nhiều KNV cơ sở chưa được đào tạo chính quy chuyên ngành khuyến nông nên năng lực nhiều khi chưa theo kịp nhu cầu của người sản xuất. Trong khi hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương rất đa dạng, phong phú, KNV cơ sở lại chỉ có năng lực chuyên môn đơn ngành, rất ít người có kinh nghiệm tổng hợp, nên quá trình làm việc còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần do việc đầu tư cho khuyến nông tại cơ sở còn hạn chế; việc tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ và chế độ phụ cấp cho KNV, cộng tác viên khuyến nông còn nhiều bất cập. Nhiều xã, cán bộ khuyến nông phải kiêm nhiệm nhiều việc nên đầu tư thời gian, công sức vào hoạt động khuyến nông chưa nhiều… Trong khi đó, chế độ phụ cấp cho KNV cơ sở còn thấp. Nhiều KNV cơ sở chia sẻ, KNV cấp xã phải làm rất nhiều việc, trong khi địa bàn rộng, dân cư rải rác; việc tuyên truyền, vận động, triển khai công việc khuyến nông nhiều khó khăn; mức phụ cấp thấp, có khi chỉ trên 1 triệu đồng/tháng chi vào tiền xăng xe đi lại, số tiền còn lại chẳng còn được là bao. Nhưng vì lòng yêu nghề, gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên nhiều KNV cơ sở vẫn làm nhiệm vụ.

KNV cơ sở tại nhiều địa phương hoạt động trong tình trạng không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, phụ cấp thấp, nên không tuyển được người đúng chuyên môn. Vì vậy, nhiều trường hợp KNV gặp công việc có thu nhập khá hơn thì sẵn sàng bỏ việc. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều xã thiếu cán bộ khuyến nông, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông.

 

Sẽ được chú trọng

Trong mục tiêu đổi mới của công tác khuyến nông, TS Phan Huy Thông cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông nhà nước, nhất là đội ngũ KNV cơ sở.

Bên cạnh đó là đổi mới về cơ cấu và nguồn lực đầu tư cho khuyến nông. Theo đó, kinh phí sẽ được ưu tiên cho hoạt động khuyến nông, đội ngũ KNV sẽ được chú trọng. Đồng thời thay đổi về phương pháp hoạt động khuyến nông: chú trọng hơn việc đào tạo, tập huấn, công tác truyền thông, tăng cường áp dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong hoạt động khuyến nông; đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông Trung ương, cơ chế chính sách về khuyến nông.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông địa phương và đầu tư kinh phí để tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông, nhằm thu hút nguồn lực phục vụ khuyến nông, mục tiêu đến năm 2016 các nguồn lực của các doanh nghiệp đạt 20 – 25% kinh phí ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt khoảng 50% kinh phí ngân sách nhà nước…  

>> Theo báo cáo của các địa phương, chỉ có 8/63 tỉnh, thành phố thực hiện trả lương cho KNV cấp xã theo ngạch bậc đào tạo; còn lại các tỉnh trả theo phụ cấp ở các mức 100.000 – 1.000.000 đồng/người/tháng.       

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!