Bà Trịnh Thị Nguyệt (ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) một mình nuôi con nhưng nhờ đầu tư ba ba, cua đinh giỏi đã trở nên giàu có.
Đến xã Thạnh Hòa hỏi thăm về bà Nguyệt, chủ trang trại nuôi ba ba, cua đinh Nguyệt Lâm, thấy ai cũng biết và khâm phục sự kiên trì, ý chí vươn lên làm giàu của người phụ nữ này.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang rộng hơn 120 m2 với đầy đủ tiện nghi, bà Nguyệt kể: “Nhờ ba ba và cua đinh nên tôi mới xây được căn nhà gần 1 tỷ đồng này đây. Năm 23 tuổi, tôi lấy chồng là một thương binh, ở cách nhà tôi hơn 20 km. Khi con trai chúng tôi hơn 4 tháng tuổi thì chồng tôi bỏ nhà ra đi. Lúc đó, nhà nghèo, tôi được cha mẹ ruột cho hơn 1 công đất cất cái chòi lá để mẹ con nương tựa. Hằng ngày, tôi vừa lam lũ với việc đồng ruộng vừa một mình chăm con nên cuộc sống luẩn quẩn trong nghèo khó”.
Bà Nguyệt, một “Nông dân sản xuất giỏi”
Đầu năm 1999, bà Nguyệt gặp người bà con đem giống ba ba từ Thái Lan về Việt Nam. Bà thấy lạ lẫm với loài này nên mua 100 con giống với giá 2 triệu đồng rồi xây 2 hồ để nuôi thử nghiệm. Ít vốn nên hằng ngày mẹ con bà ra đồng bắt ốc bươu vàng và cá đem về cho ba ba ăn, đỡ tốn tiền mua thức ăn.
Năm đầu nuôi thất bại vì khi ba ba đẻ trứng thì không nở con được. Sau đó, bà Nguyệt đem trứng ba ba lên Cần Thơ nhờ người nuôi có kinh nghiệm để học hỏi kỹ thuật; thế mà khi đem về ấp, trứng vẫn không nở. Không nản lòng, bà tiếp tục học thêm kinh nghiệm của người khác và đã học được cách cho nở, khi ấp phải có độ ẩm thì trứng mới nở. Về nhà, chỗ ba ba đẻ trứng, bà đào sâu xuống đất khoảng 40 cm rồi lấp cát lại thì trứng nở đều.
Khi ba ba đẻ thành công đó là niềm vui mừng của gia đình nhưng cũng là nỗi lo vì không biết phải tiêu thụ ở đâu khi số lượng đẻ ra ngày càng nhiều. Lúc đầu, khách hàng của bà là dân trong xã, bán với giá 15.000 – 20.000 đồng/con. Sau đó, có người ở TP Hồ Chí Minh đến hỏi mua; dần dần sản phẩm của bà được nhiều người biết đến. Thấy nhu cầu thị trường ngày càng nhiều nên bà quyết định mở rộng sản xuất.
Năm 2004, bà vay ngân hàng 300 triệu đồng thuê máy mở rộng gần 0,5 ha đất lúa, sắp xếp theo quy trình khoa học, có hệ thống lọc nước, xung quanh xây dựng bằng bê tông. Bên dưới nước chia làm 2 ao, mỗi ao diện tích hơn 1.000 m2 để nuôi ba ba thịt; phía trên bà xây gần 100 hồ (mỗi hồ rộng 12 m2) để nuôi ba ba con và để đầu tư mua 100 con cua đinh.
Bà cho biết, thức ăn của ba ba và cua đinh chủ yếu là cá tạp, ốc bươu vàng mua từ dân. Hằng ngày, mẹ con bà lễ ốc, bằm thức ăn (cá vụn) cho ba ba, cua đinh ăn mỗi ngày một lần, theo dõi tăng trưởng. Đến khi thu hoạch hay bán trứng và ba ba con thì thương lái đến tận nhà chở đi.
Theo bà Nguyệt, thường những con ba ba cái 1 tháng đẻ 1 lần, mỗi lần đẻ 15 – 20 trứng, bán với giá hơn 2.000 đồng/con. Cua đinh mỗi năm đẻ khoảng 5 lần, từ tháng 12 đến tháng 7 âm lịch, mỗi lần 1 con, đẻ 8 – 16 trứng, khi nở ra bán con giống với giá 500.000 đồng/con, cua bố mẹ 1,5 triệu đồng/con (khoảng 3 kg).
Bà Nguyệt cho biết thêm, sự khác biệt giữa cua đinh và ba ba là năm đầu cua đinh lớn chậm, khoảng dưới 1 kg/con, còn ba ba khoảng 1,3 kg. Sang năm thứ hai, thứ ba… thì cua đinh mới phát triển nhanh đến 5 – 6 kg, thậm chí hiện nay sau hơn 8 năm trang trại của bà có con gần 30 kg. Bà Nguyệt cho biết: Ba ba, cua đinh là loài ăn tạp nên dễ nuôi, chỉ cần vệ sinh ao, nguồn nước sạch sẽ, cho ăn vừa đủ thì sẽ lớn nhanh, tỉ lệ hao hụt dưới 20%”.
Hiện nay trang trại của bà có hơn 2.000 con cua đinh và hơn 30.000 con ba ba. Năm 2013, trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường cả nước gần 10.000 trứng ba ba, hàng trăm con giống và thịt ba ba, cua đinh. Trừ chi phí một năm còn lãi khoảng 700 triệu đồng.
Với sự tận tụy và niềm đam mê với con ba ba, cua đinh, nhiều năm liền bà Nguyệt được UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen. Năm 2013, bà được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Nguyệt còn thành lập câu lạc bộ nuôi ba ba, cua đinh của ấp với hơn 20 hội viên tham gia để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau làm giàu.